CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN – ĐIỂM NHẤN CỦA VĂN HÓA HÀM RỒNG

Đăng lúc: 05/09/2023 (GMT+7)
100%

 

Thanh Hóa có bề dày lịch sử, với sự hiện diện liên tục dòng chảy văn hóa từ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ, đến thời đại đá mới (các di chỉ Núi Đọ, Núi Quan Yên, Núi Nuông, Đa Bút), thời đại kim khí, thời đại đồ đồng (di chỉ Cồn Chân Tiên, Đông Khối - Quỳ Chữ). Thanh Hóa là một trong các trung tâm của nền văn minh Đông Sơn nổi tiếng. Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng và loại hình di tích lịch sử - văn hóa đa dạng và phong phú. Trong đó Hàm rồng là một địa danh nổi tiếng.

Hàm Rồng – một địa danh quen thuộc của người xứ Thanh đồng thời là vùng còn lưu giữ khá nhiều giá trị lịch sử văn hóa độc đáo và cảnh quan thiên nhiên quý hiếm. Phần lớn các di tích lịch sử văn hóa Thanh Hóa đều quần tụ ở vùng hạ lưu sông Mã nhưng đậm đặc hơn hết vẫn là ở khu vực không gian văn hóa Hàm Rồng với điểm nhấn của hàng chục ngọn núi và hàng trăm di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng.

Trống đồng Đông Sơn với sự độc đáo về văn hóa của mình, nó tiêu biểu cho nền Văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ nói chung và tiêu biểu cho văn hóa khu vực Hàm Rống nói riêng.

1. Trống đồng Đông Sơn –Hiện vật tiêu biểu của văn hóa Hàm Rồng

Thanh Hóa từ hàng ngàn năm trước công nguyên đã là địa bàn sinh sống và cư  trú của người Việt cổ. Từ  di chỉ  Cồn Chân Tiên - Đông Khối - Quỳ Chữ đến văn hóa Đông Sơn là một quá trình liên tục vừa có tính tích tụ khu vực với đặc điểm của văn minh sông Mã vừa có tính phổ biến với tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam.

 Hàm Rồng với tư cách là điểm tích tụ các sự kiện lịch sử của trên 2000 năm, không chỉ tiêu biểu cho Thanh Hóa mà còn cho cả nước. Di chỉ văn hóa Đông Sơn tại làng cổ Đông Sơn cùng với các điểm di chỉ Thành Tư Phố, Hạc Thành, Cầu Hàm Rồng... là các điểm di tích văn hóa tiêu biểu của vùng không gian văn hóa Hàm Rồng. Ngày nay, Hàm Rồng và Đông Sơn luôn thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. Hiện nay đã có một số công trình khảo cổ học được nghiên cứu tại các điểm ven sông Mã, làng cổ Đông Sơn trong chương trình văn hóa Đông Sơn.  Có thể nói di chỉ khảo cổ văn hóa Đông Sơn ven sông Mã và làng cổ Đông Sơn được xem như những di tích lịch sử của vùng lõi  không gian văn hóa Hàm Rồng.

Di tích Đông Sơn nằm bên bờ sông Mã, thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây, những cuộc khai quật năm 1924 đã phát hiện dấu vết của văn hoá đầu tiên ở Việt Nam. Tên làng cổ Đông Sơn gắn liền với nền văn hóa rực rỡ trước và sau công nguyên của người Việt cách nay trên 2.500 năm. Năm 1924, ông Nguyễn Văn Lắm, người làng Hạc, tức làng Đông Sơn cổ tìm thấy một số đồ đồng phát lộ ven bờ sông Mã, ghi nhận giá trị đặc biệt của các hiện vật liên quan đến một nền văn hóa cổ, năm 1934, R.Heine Geldern (người Áo), đề xuất gọi đó là “Văn hóa Đông Sơn”.

Ở Thanh Hoá, đồ đồng Đông Sơn đã có mặt khắp mọi miền trong tỉnh, cho tới tháng 7/1986 đã phát hiện 85 di tích. Đồ đồng Đông Sơn đã gồm đủ bộ công cụ, chiến cụ và nhạc cụ của người nông dân đương thời, trước khi có máy móc. Trống đồng Đông Sơn là nhạc khí đẹp nhất, âm lượng tốt nhất và có kích thước lớn nhất trong các di vật thời đại Đồng Thau, Thanh Hoá là nơi phát hiện 80% số lượng các trống đồng có ở Việt Nam và thế giới.

Làng Đông Sơn nằm bên bờ nam sông Mã, làng quần tụ tựa lưng vào núi Rồng, giữa vùng đồng bằng hạ lưu sông Mã, nơi hội tụ những yếu tố đặc trưng của một làng quê Việt Nam truyền thống. Đã có nhiều tài liệu đã khẳng định rằng trung tâm văn hóa Đông Sơn chính là di tích làng Đông Sơn Thanh Hóa.

Văn hoá Đông Sơn ra đời và phát triển rực rỡ dựa trên nền tảng của cả một quá trình hội tụ lâu dài từ những nền văn hoá trước đó. Đỉnh cao của Văn hoá Đông Sơn là nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn mà ở đó, người Việt cổ đã hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tạo đồng thau.

Hiện vật văn hóa Đông Sơn có mật độ phân bố đậm đặc ở hạ lưu sông Mã, đó là các di chỉ Đông Khối, Bái Man, Quỳ Chữ, Đa Bút… Trống đồng Đông Sơn đã tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 6 sau Công Nguyên. Đây là sản phẩm đầy trí tuệ của người Việt cổ. Trống đồng Việt Nam có nhiều loại hình, nhưng tất cả đều khởi nguồn từ trống Đông Sơn mà đỉnh cao là sự hoàn thiện kỹ thuật chế tạo là trống đồng Ngọc Lũ. Điều độc đáo là nhờ những hình khắc họa trên trống đã giúp chúng ta ngày nay hình dung được đôi nét về cuộc sống của người Việt cổ ở thời xa xưa ấy. Hoa văn trên trống đồng có nhiều loại, kiểu bố trí hợp lý trên các phần mặt, tang và thân trống. Nó được các nhà nghiên cứu tìm hiểu, phân tích để làm một trong những cơ sở khoa học trong phân loại trống và khắc họa những nét sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa Đông Sơn thời bấy giờ.

Cho đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn – một nền văn hóa nổi tiếng của nước Văn Lang trong thời đại kim khí bắt đầu cách nay khoảng 2.700 năm.

 Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về thời đại Hùng Vương và văn hóa Đông Sơn, nhưng với các chứng cứ khoa học của khảo cổ học, lịch sử học, văn hóa học Việt Nam đã chứng minh chủ nhân văn hóa Đông Sơn thời Hùng Vương.

Như vậy, Hàm Rồng trở thành địa danh đặc biệt nhờ có các yếu tố hợp thành của sông Mã, núi Rồng giao nhau tạo ra thung lũng làng cổ Đông Sơn, một phức hệ núi, thung lũng, đồng bằng với những vẻ kỳ thú sơn thủy hữu tình của một đô thị, nơi giao nhau của biển, đồng bằng và núi rừng.

2. Trống đồng Đông Sơn – tái hiện văn hóa của người Việt cố

Những chiếc trống này là một hiện vật vô cùng qúy báu, là niềm tự hào sâu sắc của văn minh Việt Nam nói chung và văn hóa Hàm Rồng nói riêng, nó nói với chúng ta rất nhiều điều, về cuộc sống và tâm hồn của tổ tiên ta.

Ngoài ra, các nghề đánh cá, săn bắn, chăn nuôi gia súc và sản xuất thủ công của người Việt cổ.  Việc phát hiện ra những lưỡi cày đồng và những hình bò được khắc trên thân trống chứng tỏ thời kỳ này đã biết sử dụng sức kéo động vật vào canh tác nông nghiệp.

Trống đồng Đông Sơn được dùng như một loại nhạc cụ sử dụng khi đánh nhau hoặc các buổi lễ. Hiện tại số lượng trống đồng tìm thấy ở Thanh Hóa chiếm một số lượng nhất. Qua trống đồng ta còn thấy phong tục của người xưa. Ngôi sao trên mặt trống đồng là biểu trưng cho mặt trời mà tục thờ mặt trời là một hình thức của đạo sùng bái tự nhiên. Đặc biệt những hình người hoá trang thành chim trên trống đồng mang ý nghĩa tín ngưỡng vật tổ, mà vật tổ đây là một loài chim Theo dõi những hình người khắc trên trống đồng, chúng ta thấy những nhân vật chiếm vị trí trung tâm trong các sinh hoạt và nghi lễ thường được hoá trang thành chim, hoặc đó là những chiếc mũ hình chim, hoặc bộ quần áo lông chim, thậm chí những vũ khí, công cụ sản xuất, mũi thuyền, nóc nhà cũng làm theo hình chim, được trang trí hình chim, được trang sức lông chim.

Hình ảnh vật tổ Rồng giống vật thần thoại kết hợp trong mình nó những nét của cá sấu, rắn nước... thấy khắc trên rìu đồng Đông Sơn. Cảnh đua thuyền, cảnh hiến tế, cảnh đánh trống, đánh chiêng, giã gạo, múa nhảy thấy trên trống đồng đều là những nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp, có thể xem đó là cảnh lễ cầu mùa, hội mừng mùa, những ngày hội lễ tiêu biểu của nền văn minh nông nghiệp Việt cổ. Như vậy qua trống đồng Đông Sơn ta có thể thấy được đặc trưng văn hóa tục sùng bái mặt trời và chim vật tổ của người xưa.

Bên cạnh đó công cụ sinh hoạt cũng đặc biệt được người Đông Sơn coi trọng, chứng tỏ đời sống của người Đông Sơn đã đạt đến một trình độ nhất định: ấm đồng, bình đồng, âu đồng, thố đồng, thạp đồng và trống đồng...

Vũ khí là loại hình được sản xuất nhiều nhất, phản ánh nhu cầu thực tế phục vụ chiến tranh và săn bắn ở thời đại Hùng Vương. Vũ khí đồng có giáo và có loại có họng lắp cán, số lượng các mũi giáo có nhiều loại hình khác nhau. Lao, dao găm bằng đồng cũng rất phổ biến. Mũi tên đồng có rất nhiều ở các di tích.

Ngoài ra nhìn vào trống đồng Đông Sơn chúng ta còn nhận diện được trang phục, nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc, trang trí, nghệ thuật ca múa nhạc của người Việt cổ. Về trang phục, họ thường mặc áo hai vạt ngắn, áo hai vạt dài, váy, khố.... Theo dõi các hình khắc trên trống đồng ta thấy được đời sống âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, kiến thức khoa học, nghệ thuật kiến trúc, của người xưa. Ngoài nhiệm vụ nhạc khí nó còn là biểu tượng của quyền lực, lễ hội, tôn giáo… Hoa văn mặt trời, nhà sàn, người giã gạo, chim cò bay, đàn hươu biểu diễn, thuyền ghe và người đánh trống, nhảy múa, đối đáp, đua thuyền, người giã gạo là những hình ảnh dễ thấy trên mặt trống đồng. Nó thể hiện nếp sinh hoạt của nông nghiệp của người Việt xưa. Nhờ có những di vật đặc biệt này mà chúng ta có thể biết được mọi vấn đề về kết cấu tổ chức cộng đồng, y phục, tín ngưỡng, văn hóa, công cụ, vũ khí, nhạc cụ, kiến trúc nhà ở, chiến thuyền, vật dụng... của con người trong xã hội Hùng Vương thời văn hóa Đông Sơn.

Đồ nông cụ được người Đông Sơn sản xuất, chế tác nhiều và nhiều hình loại phong phú, như: lưỡi cày hình thoi hoặc hình tam giác và lưỡi cày hình cánh bướm, lưỡi hái và rìu.

Từ việc phát hiện những hiện vật khảo cổ học tại làng Đông Sơn, đã khuyến khích giới khoa học trong và ngoài nước xem xét, nghiên cứu một cách hoàn chỉnh hơn về thời đại đồ đồng ở Việt Nam. Làng cổ Đông Sơn có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc làm sáng tỏ nhiều quan điểm lịch sử mới, chứng minh đã có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển, một tổ chức nhà nước sơ khai ở thời đại các vua Hùng.

Tóm lại: Địa danh Đông Sơn đã được dùng để đặt tên cho cho nền văn hóa tiêu biểu trong thời kỳ dựng nước – văn hóa Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn phản ánh trình độ tổ chức xã hội của người Việt cổ đã phát triển đến một cấp độ nhất định. Đó là hình thái sơ khai của nhà nước và là tiền đề cho một xã hội có tổ chức nhà nước phát triển kinh tế, văn hóa một cách toàn diện. Với thành tựu khoa học mà khảo cổ học đem lại chứng minh sự đậm đặc, tập trung hệ thống các di vật đồ đồng Đông Sơn ở vùng Việt Trì, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nam Định và đặc biệt là vùng sông Mã – Hàm Rồng. Nghệ thuật chạm khắc trên trống đồng Đông Sơn ở Thanh Hóa là một kho tàng di sản văn hóa quý hiếm, là một nguồn tư liệu lịch sử có giá trị đặc biệt, phản ánh thực tiễn xã hội của một thời kỳ, trên một vùng đất chứng kiến nhiều sự kiện sôi động trong lịch sử Việt Nam

* Vai trò của trống đồng Đông Sơn đối với việc phát triển du lịch tại khu Hàm Rồng.

Nguồn lực di sản văn hoá - thiên nhiên Thanh Hóa là rất lớn. Năm 2008 Viện nghiên cứu phát triển du lich Việt Nam và Sở Văn Hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá làm quy hoạch phát triển du lịch Thanh Hoá 2008-2020, đưa ra 11 không gian du lịch ở Thanh Hoá. Đặc trưng của 11 không gian du lịch tiềm năng trên đều lấy lợi thế  của thiên nhiên làm nền tảng, di sản văn hoá làm điểm nhấn và yếu tố tín ngưỡng – tâm linh làm sức hút tuy nhiên dung lượng ở mỗi khu vực là rất khác nhau. Tuy nhiên để phát huy các lợi thế về du lịch của cần có giải pháp cụ thể. Trước hết cần xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của vùng như xây dựng sản phẩm trống đồng Đông Sơn.

Thực tế Trống đồng Đông Sơn đã là món quà tinh thần không thể thiếu đối với mỗi du khách đến thăm quan vùng Hàm Rồng. Mặt khác xưa kia trong quá trình giao thương trống đồng Đông Sơn đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới và được thừa nhận là sản phẩm văn hóa độc đáo.

Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, hy vọng rằng du lịch Thanh Hoá trong một tương lai gần sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt cần phải đánh thức dậy tiềm năng du lịch Hàm Rồng để Hàm Rồng có thể phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của nó.

 

                                                                                                        Tạ Thị Thủy

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

      

           1.  Hà Văn Tấn (1994),  Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam,  Nxb KHXH.

           2. Lê Thị Sáu (2001), Đồ đồng văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa, những giá trị lịch sử văn hóa, Luận văn Thạc sỹ. Trường Đại học Văn hóa.

          3. Lê Văn Tạo (2010), Di sản văn hóa- nguồn lực đặc biệt cho phát triển du lịch Thanh Hóa,  Nxb Thế giới.

          4. Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Tác giả: TS. Tạ Thị Thủy