CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

BẢNG MÔN ĐÌNH – NƠI TÔN VINH NHO GIÁO VÀ ĐẠO HỌC

Đăng lúc: 05/09/2023 (GMT+7)
100%

1. Mạch nguồn hiếu học Bảng Môn Đình.

Huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) là vùng đất Việt cổ có lịch sử lâu đời. Đồng hành cùng dân tộc trong suốt mấy nghìn năm dựng nước, trải qua quá trình cải biến thiên nhiên, tiếp biến văn hóa, nhân dân Hoằng Hóa đã xác lập nên những giá trị văn hóa riêng. Một trong những giá trị đặc sắc đó là tinh thần hiếu học. Chính vì vậy, từ xưa, kẻ sĩ Hoằng Hóa đã được ca ngợi: “Cơm Nông Cống, cá Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa”. Từ thế kỷ thứ XIX,  giới nho sĩ Hoằng Hoá đã lập văn từ thờ Khổng Mạnh và những văn nhân của huyện ngay trên quê hương Hoằng Lộc.

Là một vùng đất cổ, Hoằng Bột - tên gọi cũ của xã Hoằng Lộc. Nằm ở phía Đông Nam của huyện, cách thành phố Thanh Hoá 6 km về phía Đông Bắc. Đây là  vùng đất có tiếng là hiếu học của tỉnh Thanh. Gắn với truyền thống hiếu học của Hoằng Lộc là “Bảng Môn Đình”,  đây luôn được xem là niềm tự hào của người dân bởi nơi nó là biểu tượng trường tồn để tôn vinh nền học vấn, khoa bảng, đỗ đạt của làng.

Bảng Môn Đình được xây dựng từ thời Lê (Khoảng cuối thế kỷ XV) và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Đây không chỉ là nơi thờ Thành Hoàng làng mà còn là nơi quy tụ, vinh danh những con người đỗ đạt thành tài của làng. Bảng Môn Đình nằm trong quần thể di tích của xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, bao gồm: Văn chỉ xã Hoằng Lộc, nhà thờ bảng nhãn Bùi Khắc Nhất, nhà thờ Nguyễn Quỳnh…

Theo thần phả, ban đầu đình Bảng Môn vốn là nơi thờ Thành Hoàng làng Nguyễn Tuyên, Vị đại tướng có công bình Chiêm dưới thời Lý. Sau khi ông mất được nhà nước phong tặng ”thượng đẳng phúc thần đại vương” ông được nhân dân tôn làm thành hoàng làng. Về sau, do sự thành đạt về học vấn, khoa bảng của làng mà đình được sửa chữa cho khang trang, bề thế để làm nơi kỷ niệm, tôn vinh 12 vị đại khoa của làng qua các vương triều phong kiến.

Điều đặc biệt là Bảng Môn Đình ngoài là không gian văn hóa tâm linh thì từ thế kỷ thứ XV trở lại nay, đây còn là nơi tôn vinh các giá trị văn hóa của Nho giáo và Đạo học

Chính vì chăm lo cho việc học hành, nên nhiều nơi ở Hoằng Hóa có rất nhiều người đỗ đạt cao. Tạo thành cái rốn khoa bảng như các làng Bột Thượng, Bột Thái (xã Hoằng Lộc); Nguyệt Viên, Vĩnh Trị, Phù Quang (xã Hoằng Quang); Quỳ Chữ, Đông Khê (xã Hoằng Quỳ); Hội Triều (xã Hoằng Phong); Cát Xuyên (xã Hoằng Cát)... Trong đó các làng tiêu biểu như: Làng Nguyệt Viên (Hoằng Quang) có tới 11 người đỗ đại khoa. Xã Hoằng Lộc, theo thống kê chưa đầy đủ, trong suốt chế độ khoa cử thời phong kiến, số người đỗ tiến sĩ là 12. Chỉ tính riêng trong đời Lê (1428 - 1884), số người đỗ hương cống, hương tiến, giám sinh Quốc Tử Giám, nho sinh là 149 người; đời Nguyễn (1902 – 1919), có 37 người đỗ cử nhân và 140 người đỗ tú tài...

2. Bảng Môn Đình – nét đẹp văn hóa Nho giáo và Đạo học.

Lịch sử khoa cử nước ta bắt đầu từ thời Lý, nhưng thực tế, khoa cử đi vào nề nếp quy củ bắt đầu từ thời Lê. Nói về Hoằng Bột nhất thiết phải lưu ý vấn đề học vấn, khoa cử xưa vì “sự học là một điều rất trọng yếu của Khổng giáo”. Chính vì vậy, thời xưa nho sĩ xem khoa cử là con đường duy nhất để đi đến công danh. Nhà nước đồng thời ban hành nhiều chính sách ưu đãi hiền tài, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (lời văn do Thân Nhân Trung soạn khắc trên tấm bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442). Theo đó chế độ tập ấm được ban hành rất rộng rãi kể từ thời Lê Thánh Tông đã đề cao hơn việc học.  Những người theo nghiệp quan trường, hoạn lộ hanh thông sẽ được đảm nhiệm nhiều trọng trách của triều đình. Không chỉ bản thân được hưởng vinh hoa mà cha ông, con cháu cũng được hưởng phúc ấm.

Từ triều Lê Trung Hưng trở về sau, chế độ đãi ngộ người học hành, đỗ đạt rất hậu, bổ nhiệm rất cao. Theo Lê Quý Đôn thì có 5 ân điển dành cho những người mới đỗ Tiến sĩ. Ngoài việc ban cho mũ áo và cân đai triều phục, cho vinh quy về quê hương, bổ giữ chức quan trong các khoa, các đạo, không phải bổ làm quan ở phủ hoặc huyện.

Bên cạnh đó, hình thức ruộng “Học điền” là một chính sách ưu đãi người có học và đỗ đạt. Học điền là một loại ruộng thưởng cho những người đỗ đạt cao trong làng. Thông thường nếu đỗ Tú tài thì được làng thưởng cho 1 sào ruộng. Tuy nhiên, theo sử sách nghi lại ở Hoằng Bột do số người học hành đỗ đạt nhiều nên chỉ những ai đỗ Cử nhân trở lên mới được biếu ruộng. Để khuyến khích việc học nơi đây đã có nhiều chủ chương khuyến khích: đối với người đang đi học được miễn phu phen tạp dịch, khi đã đến tuổi gánh vác việc làng, việc nước (18 tuổi trở lên).

Ở Hoằng Lộc để khuyến khích việc học của nhân dân, đã có nhiều chính sách khuyến khích. Gia phả của dòng họ Nguyễn Nhân Lễ ở Hoằng Lộc ghi rõ: “Họ có 8 sào ruộng, người nào trong họ đỗ đại khoa sẽ được cho một phần trong số ruộng đó để xây nhà ở. Số còn lại dùng làm “học điền” cho con em trong họ”... Ngoài ra, những người đi học còn được miễn phu phen tạp dịch, đến tuổi đi làm việc làng, việc xã được ngồi chiếu trên. Đặc biệt, xã còn thành lập các hội tư văn để khuyến khích việc học hành của kẻ sĩ. Nhiệm vụ của hội tư văn là tổ chức việc tế lễ ở các văn chỉ, nơi thờ Khổng Tử, đọc văn tế nơi hành miếu, tổ chức các đợt giảng văn, bình thơ, phối hợp tiếp đón những người đậu đạt vinh quy bái tổ... Hội tư văn đã tạo nên đầu óc ngôi thứ, ganh đua giữa kẻ sĩ trong làng, từ đó tạo ra được nhiều thế hệ thành đạt và có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương.

Đình Bảng Môn được xem là trung tâm biểu hiện đạo học của làng. Điều đặc biệt ngôi đình Bảng có bóng dáng một trường làng cổ xưa của Việt Nam. Chính tại đình làng, mỗi khi có tân khoa Trạng đỗ đạt thì việc đón rước trở thành một lễ hội suy tôn Nho học đặc biệt. Như vậy, khái niệm đình làng ở đây bao chứa hai nội hàm “đền thờ”, và “trường làng”  -  biểu tượng thiêng liêng của đất học, nơi hội tụ và biểu dương thành tích học tập của các sĩ tử nho sinh. Đúng như tên gọi Bảng Môn - cửa vào của các nhà khoa bảng.

Hoằng Lộc không chỉ là xã có nhiều người đỗ đạt mà còn đỗ cao: trong 12 người đỗ đại khoa có hai người đỗ Đệ nhất giáp chế khoa là ông Bùi Khắc Nhất và ông Nguyễn Sư Lộ, hai người đỗ Đình nguyên hoàng giáp (đỗ đầu kỳ thi đình –hai kỳ thi này không lấy tam khôi là ông Nguyễn Thứ và ông Nguyễn Lại, một người đỗ Hội Nguyên (đỗ đầu kỳ thi hội) là ông nguyễn Nhân Thiệm và hai người đỗ Hoàng Giáp là ông Nguyễn Cẩn và ông Nguyễn Bá Nhạ. Hoằng Lộc là vùng đất xứng với danh hiệu "văn có tiến sĩ, võ đạt đến quận công”

Ở Bảng Môn Đình người ta còn giữ lại hòn đá có bề mặt phẳng với lời truyền tụng hòn đá là nơi Sư Lộ ngồi đọc sách và dạy học bên đường cho con em trong làng. Ai có điều gì chưa hiểu, chữ nghĩa nào chưa hay đều được thầy giảng giải tỏ tường. Nơi đây việc học được coi là một “nghề”, hơn thế nữa là “đạo” Theo các bậc  cao tuổi và sử sách ghi lại, từ thế kỷ XV, nơi đây đã có truyền thống hiếu học với vị khai khoa là ông Nguyễn Nhân Lễ- đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu Hồng Đức thứ 12 (1481). Nền học vấn của xã phát triển gần 5 thế kỷ tiếp theo (XV-XIX), qua các thời kì dưới triều phong kiến, Hoằng Lộc có 12 vị đậu đại khoa , trong đó có 7 tiến sĩ được ghi danh trên bia đá tại Văn miếu Quốc Tử Giám , cùng gần 200 hương cống, cử nhân, 140 người đỗ sinh đồ, tú tài.

Nơi đây có tục lệ “Trọng khoa hơn trọng hoạn” (trọng người đỗ đạt có học vị hơn người phẩm trật, quan tước). Đất Hoằng Lộc còn lưu giữ giai thoại về vị quan có phẩm tước lớn nhưng học vấn không bằng một số vị khác đành phải ngồi chiếu dưới theo đúng tục lệ.  Tại đình Bảng Môn còn có bức đại tự lớn với dòng chữ “Địa linh nhân kiệt” đề cao truyền thống văn hiến của làng, nhắc nhở kẻ sĩ giữ vững khí tiết. Theo thống kê, tổng cộng trong thời phong kiến, tỉnh Thanh Hoá có 206 người đỗ Đại khoa. Trong đó riêng huyện Hoằng Hoá có 48 người thì Hoằng Lộc có 12 người, đạt tỷ lệ 25% (từ vị khai khoa đầu tiên Nguyễn Nhân Lễ năm 1481 đến vị Hoàng giáp Nguyễn Bá Nhạ năm 1843).

Trong những ngày tế lễ ở đình làng, vẫn không thiếu những hoạt động thế tục được lồng ghép như nghi thức “Đàm đạo”, với mục đích căn bản là tổng kết, đánh giá, khuyến thưởng thành tích học tập cho những người đỗ đạt. Như vậy, Đình làng không còn đơn thuần là lễ- tế- chơi như trong các lễ hội đình làng Việt thuần tuý nông nghiệp thường thấy. Nó được dành để giải quyết các lợi ích to lớn của thời đại đang theo đuổi (việc học: trong Nho giáo xưa chia 4 dân căn bản “Sĩ nông công thương” thì người đi học đặt ở vị trí trên cùng, danh giá trong đẳng cấp xã hội). Nho sĩ thành đạt đến đình để được tưởng thưởng; nho sinh, những người theo nghiệp nghiên bút đến đình để được truyền kinh nghiệm, noi gương sáng mà học tập.

Trong không gian văn hóa ở đình làng ấy, người ta chỉ mong có một chỗ ngồi danh dự trong đình Bảng Môn. Ngoài hàng lối phân biệt theo học vị: tiến sĩ- cử nhân- tú tài… ở những vị trí trái- phải; trên- dưới; trong- ngoài; thiêng- tục trong đình thì cái chiếu để ngồi cũng được quy định cụ thể về màu sắc theo học vị (chiếu hoa cho Tiến sĩ; chiếu cạp cho Cử nhân, Tú tài; chiếu trơn cho sinh đồ trẻ tuổi)… Sự tồn tại và hoạt động của Bảng Môn Đinh đã củng cố và phát huy truyền thống hiếu học của người dân nơi đây. Theo tục lệ trọng  khoa trọng hơn hoạn (tức là trọng người đỗ đạt, có học vị hơn trọng người có chức tước). Trong đình trải 3 hàng chiếu: trung hàng, tả hàng, hữu hàng. Ở trung hàng phía trên là chiếu cạp điều dành cho những người có học vị tiến sĩ, chiếu cạp xanh bên dưới dành cho những người đỗ hương cống. Hàng chiếu bên tả là vị trí các sinh đồ. Hàng chiếu bên hữu dành cho các nho sinh sĩ tử chưa thi đỗ.

Để được ngồi ở giữa đình Trung trong ngày lễ thì nhất thiết phải đỗ đạt cao, trong đó, ai đỗ cao hơn có cơ hội gần với hậu cung (gần thành hoàng) hơn. Rồi các vị trí tiếp theo còn lại mới đến Hương Cống, Tú tài. Trong cùng một hàng vẫn còn có sự phân chia, lúc này tuổi tác mới được dùng để quy định cụ thể.

Nghi lễ “Đàm đạo” việc học trong những ngày hội làng cũng là một phong tục truyền thống nhằm khuyến khích con em “sôi kinh nấu sử”, đề cao việc học. Tham gia buổi Đàm đạo quan trọng này có đủ giai tầng nhưng quan trọng là các nho sinh.

Như vậy, trong thời phong kiến, “mô hình” khuyến học được thực hiện khá quy củ, nề nếp và có truyền thống tại đình Bảng Môn, đây là nét độc đáo không có đình làng xứ Thanh nào có được trong thời phong kiến.

Qua thời gian, truyền thống hiếu học vẫn như một mạch nguồn xuyên suốt nhiều thế hệ người dân Hoằng Lộc. Hiện xã có 8 giáo sự, phó giáo sư, 40 tiến sĩ, 30 thạc sĩ,  trên 600 đại học, ở lĩnh vực công tác nào cũng đều cống hết mình cho đất nước

Sự thành công về khoa cử của Hoằng Lộc được cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó phải nói tới là sự nỗ lực của mỗi thành viên trong họ tộc, là truyền thống hiếu học của gia đình dòng họ, sự khích lệ của cộng đồng, sự đầy đủ về đời sống kinh tế, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với người có học. Với những ưu thế về nhiều mặt đã sớm quy tụ cho vùng trở thành cái rốn của việc học, khoa cử được mở mang. Đình làng và tên gọi Bảng Môn ra đời cũng là chuyển tải một phần nội dung ấy.

Đình Bảng Môn là một đình làng truyền thống nhưng không đặt theo tên địa danh mà lại đặt tên theo nội dung thờ tự (đình Bảng), đây là một điểm độc đáo. Mặc dù trải qua thăng trầm của thời gian, công trình này với những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo của nó, cũng như sự tôn thờ đạo học của dân làng, sự ngưỡng vọng của nhân dân đã giúp cho di sản tồn tại đến ngày nay.

                                                                                           

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

           1. Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (2000), Địa chí văn hóa Hoằng Hóa, Nxb KHXH.

           2. Lê Văn Tạo, Một số vấn đề cần quan tâm khi nghiên cứu văn hóa vùng hạ lưu sông Mã, Tạp chí Thông tin khoa học, Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Thanh Hóa, số 3/2007.

          3. Hà Đình Hùng, bảng Môn Đình - Giá trị văn hóa, nghệ thuật, luận văn Thạc sĩ.

 

Tác giả: TS. Tạ Thị Thủy