TÍNH BIỂU TƯỢNG TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC – NGHỆ THUẬT
Tóm tắt: Sự phát triển và thâm nhập của văn hóa học vào nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn ngày càng sâu sắc. Chính điều này càng thức nhận được vai trò và sự gắn kết của văn hóa với văn học – nghệ thuật vốn đã có từ xa xưa và đến nay càng gắn kết không thể chia tách. Con người với khả năng biểu trưng hóa có thể tiếp nhận hình ảnh trong thực tại không như cái máy sao chụp mà bằng khả năng biểu trưng hóa.
Văn học – nghệ thuật không những là một bộ phận của văn hóa, nó chịu sự chi phối và ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa. Quan trọng hơn văn học – nghệ thuật còn là một trong những phương tiện truyền đạt và bảo lưu văn hóa. Mối quan hệ giữa văn học- nghệ thuật và văn hóa thể hiện ở chỗ văn học – nghệ thuật chịu ảnh hưởng từ môi trường văn hóa thời đại và truyền thống văn hóa dân tộc. Văn học – nghệ thuật đã tự giác tiếp nhận và thể hiện những giá trị và mô thức văn hóa mà cả cộng đồng tuân thủ. Việc tìm hiểu và giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học – nghệ thuật không chỉ cần thiết cho việc nghiên cứu mà nó còn cho thấy mối quan hệ không thể tách rời của văn học – nghệ thuật đối với văn hóa. Thực chất việc giải mã này là đặt văn học – nghệ thuật vào bối cảnh rộng lớn của văn hóa – xã hội từ đó làm nổi bật những sắc thái văn hóa độc đáo, những biểu tượng hàm ẩn muôn vàn lớp nghĩa trầm tích của văn hóa được thể hiện trong tác phẩm văn học – nghệ thuật. Văn hóa không phải là một hình thái quan niệm trìu tượng, không hình bóng. Có người cho rằng: Văn hóa do lịch sử di truyền, thể hiện ở những mô thức ý nghĩa trong những phù hiệu tượng trưng, mọi người mượn hệ thống này để giao lưu. Biểu tượng được các nhà nghiên cứu văn hóa và văn học coi trọng vì nó là đơn vị cơ bản của văn hóa. Con người tư duy bằng biểu tượng, giao tiếp bằng biểu tượng. Vậy ta cần hiểu thế nào là Biểu tượng văn hóa. 1. Biểu tượng văn hóa Mỗi một dân tộc tồn tại trên thế giới đều có những đặc sắc riêng về văn hóa và yếu tố tạo nên sắc diện văn hóa chính là các biểu tượng. Văn học – nghệ thuật là một bộ phận của văn hóa vì thế nó chịu sự chi phối và ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hóa và truyền thống văn hóa dân tộc. Do vậy hành trình tìm kiếm và nghiên cứu biểu tượng trong văn học – nghệ thuật là hành trình khám phá con đường trở về cội nguồn văn hóa đồng thời cũng chính là hành trình tìm kiếm những gía trị chân, thiện, mỹ của dân tộc. Biểu tượng xuất hiện sớm trong tư duy nhân loại. Từ thời nguyên thuỷ khi chưa có ngôn ngữ, con người đã biết sử dụng những tín, kí hiệu để đánh dấu và giao tiếp. Khi con người có ngôn ngữ, biểu tượng không hề mất đi mà phát triển theo một hình thái cao hơn và đó cũng chính là lúc xuất hiện quá trình nghiên cứu biểu tượng. Theo lý luận nhận thức, biểu tượng là hình thức cao nhất của trực quan sinh động. Biểu tượng xuất hiện trên cơ sở những hiểu biết về sự vật do tri giác đem lại là hình ảnh của sự vật được lưu giữ trong chủ thể nhận thức khi chúng không còn hiện diện nữa. Theo từ điển Tiếng Việt biểu tượng là dấu, là hình ảnh biểu hiện. Biểu tượng gần gũi với ký hiệu, phúng dụ, ẩn dụ… Nếu ký hiệu, phúng dụ, ẩn dụ tạo ra những mối quan hệ lâm thời, rời rạc, những quy ước đơn giản giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt có tác dụng biểu nghĩa thì biểu tượng tạo được sự đồng nhất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nghĩa một lực năng động của tổ chức. Thực tế đã khẳng định biểu tượng phát triển cùng quá trình tiến hoá của nhân loại. Khởi nguyên của biểu tượng (Symbole) là một vật được cắt làm đôi. Hai người mỗi bên giữ một phần sau một thời gian dài gặp lại hai mảnh vỡ sẽ được ghép lại với nhau để nhận ra mối quan hệ khi xưa. Như vậy, biểu tượng được hiểu là sự quy ước, một dấu hiệu, một tín hiệu…có ý nghĩa biểu trưng. Biểu tượng được chia ra và kết hợp lại với nhau, nó chứa đựng ý tưởng phân ly và tái hợp. Biểu tượng đôi lúc rất cụ thể song cũng có thể là những thứ rất trừu tượng. Trong lịch sử đã có nhiều triết gia đã đề cập đến biểu tượng như Chu Hy - Nhà dịch số Trung Hoa thần bí, Hêghen - nhà triết học duy tâm khách quan Đức sau này là Singmund Freud - Bác sĩ thần kinh, tâm thần người áo rồi đến C.G.Jung…vv...Biểu tượng được nghiên cứu và tiếp nhận khá sớm trong lịch sử và đứng trên những quan điểm và lập trường khác nhau mỗi nhà nghiên cứu lại đưa ra những khái niệm riêng phù hợp với ngành khoa học của mình. Mấy chục năm gần đây, do khả năng nhận thức có nhiều biến chuyển, đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về biểu tượng xã hội. Riêng ở lĩnh vực văn học – nghệ thuật, trong khoảng những năm cuối thế kỉ XX và đầu những năm của thế kỉ XXI biểu tượng được quan tâm đặc biệt. Hiện nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về biểu tượng. Tiêu biểu là các định nghĩa của các nhà nghiên cứu Piere Emmanuel, C.G.Jung, Trần Lê Bảo… Một số ngành khoa học cũng hình thành những khái niệm riêng về biểu tượng như Triết học, Tâm lí học, Xã hội học…Dù đứng trên những quan điểm và lập trường khác nhau nhưng chúng ta vẫn tìm được điểm chung của biểu tượng. Biểu tượng là những hình ảnh của những sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh, được hình thành trên cơ sở các cảm giác và tri giác đã xảy ra trước đó. Biểu tượng không hoàn toàn là thực tế bởi vì nó là sự xây dựng lại thực tế sau khi đã được tri giác, nhưng những hình ảnh đó cũng không hoàn toàn là chủ quan xuất phát từ hoạt động tâm trí của chủ thể. Biểu tượng là hiện tượng chủ quan của đối tượng về hiện tượng khách quan đã được tri giác. Biểu tượng vừa chứa đựng yếu tố trực tiếp vừa chứa đựng yếu tố gián tiếp bởi vì nó được hình thành nhờ sự phối hợp bổ sung lẫn nhau của các giác quan và đã có sự tham gia của các yếu tố phân tích, tổng hợp. Chính vì thế, biểu tượng phản ánh được đặc trưng của các sự vật, hiện tượng. Thế giới biểu tượng vô cùng phong phú, gồm cả biểu tượng liên quan đến vật chất như: ăn, mặc, ở đến những biểu tượng liên quan đến lĩnh vực tinh thần như tôn giáo tín ngưỡng, còn có cả những biểu tượng liên quan tới xã hội trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong phạm vi bài viết chúng tôi xin giới thiệu biểu tượng về tôn giáo, biểu tượng về ma quỷ và biểu tượng về kiến trúc. Từ đó đi sâu khám phá nội hàm tâm thức văn hóa thời đại và hạt nhân văn hóa tiềm ẩn trong nhiều lớp trầm tích của tác phẩm. 2. Biểu tượng về tôn giáo Thuật ngữ tôn giáo bắt nguồn từ chữ Latinh “Religio” có nghĩa là sự ràng buộc hoặc mối quan hệ. Cùng với tiến trình phát triển của lịch sử và xã hội, khái niệm tôn giáo được mở rộng thành một hình thái ý thức. Dù tôn giáo tồn tại dưới hình thức nào thì có một điều không thể phủ nhận rằng: Tôn giáo trong một giới hạn nào đó có vai trò quan trọng trong cuộc sống, nó phản ánh thế giới tâm linh con người, niềm tin cũng như khát vọng sống. Nó vừa có nguồn gốc nhận thức vừa có nguồn gốc xã hội chính vì thế tôn giáo vừa mang tính huyễn hoặc vừa mang tính hiện thực. Tôn giáo là con đường tìm kiếm tâm linh chân thực và mạnh mẽ của các cư dân trên thế giới. Đây là biểu tượng của hình thái tôn giáo nguyên thuỷ theo đó người ta tin rằng có một số người có thể làm ra những phép lạ bằng sức mạnh thần bí của mình như làm mưa, làm nắng, làm phúc, gây họa. Những hình thức ma thuật ra đời sớm trong thời kỳ thị tộc, ma thuật có nhiều dạng, có thể từ thấp đến cao, tác động gián tiếp hay trực tiếp đến đối tượng, có thể là bắt chước, khởi động, xua đuổi hay tẩy sạch, cũng có khi là bùa phép để dẫn dắt linh hồn. Tất cả những những hình thái tôn giáo này được thể hiện trong biểu tượng thầy phù thủy. Chẳng hạn hai thầy phù thuỷ có tài tróc quỷ, trừ tà là Trương Thiên Tứ và Mã Sơn Nhân trong tác phẩm Báu vật của đời của Mạc Ngôn. Việc làm của hai cao nhân này có nguồn gốc sâu xa từ tôn giáo nguyên thủy, nó thường đựơc gọi dưới các hình thức yểm bùa, chài yếm được dùng vào nhiều mục đích khác nhau như cầu may, chữa bệnh, làm hại. Ở hình thức ma thuật này chủ yếu đơn thuần là sự thấu hiểu của con người với các lực lượng tự nhiên nhưng chưa hề có ý niệm thần thánh. Điều này thể hiện qua thái độ hoà đồng của dân cư vùng với những người làm nghề phù phép, nó đã vượt qua quan niệm linh thiêng của tôn giáo nguyên thuỷ, đây có thể coi là sự chuyển dịch trong tâm thức dân tộc. Một phương diện khác của biểu tượng tôn giáo phải kể đến những biểu tượng về con số, nó biểu trưng cho sự hài hoà của thế giới. Những con số không chỉ đơn thuần được sử dụng trong toán học mà còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng mang ý nghĩa đạo đức và ma thuật nhất định. Đối với người Trung Hoa con số là phương tiện cá thể hoá nhưng không phải dùng để đánh dấu mà nó liên quan đến việc kéo dài cái trần tục vào quá trình thiêng liêng của con người để tạo thành thể thống nhất với các yếu tố của thực tại mà con người hướng đến theo ma thụât. Nó liên quan đến tâm thức dân gian. Trong quan niệm dân gian xa xưa, người Trung Hoa đã lấy con số năm biểu trưng cho sự linh thiêng, nó biểu tượng cho mối quan hệ đời sống của con người Trung Hoa. Số năm là con số thần thánh, là sự kết hợp hài hoà của âm dương. Hiểu được số năm ta sẽ hiểu được quan niệm về sự sinh thành của trời và đất, quan niệm trong đời sống trật tự xã hội ổn định, số năm đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho văn hoá Trung Quốc. Năm ngôi sao đại diện cho năm yếu tố cấu thành vật chất đang có sự chuyển vượt trong không gian bao la, tạo nên sự vận hành của vũ trụ. Nó đại diện cho năng lực tái sinh và sức mạnh huỷ dịêt. Nếu số năm là biểu tượng của mối quan hệ trong đời sống, sự đầy đủ và trọn vẹn thì số chín lại gắn liền với những gì tốt đẹp nhất. Theo Kinh Dịch số chín là cực đỉnh của dương số (Thái Dương), là con số cuối cùng và cao nhất trong dãy số nguyên. Số chín được coi là con số bất biến, nó luôn tồn tại và đựơc coi là số đặc biệt được coi trọng trong đời sống văn hoá Trung Hoa. Trong đời sống văn học – nghệ thuật Trung Quốc đã xây dựng nhiều hình ảnh về biểu tượng số chín chứa đựng nhiều ý nghĩa độc đáo. Chẳng hạn biểu tượng chín người con nhà Thượng Quan trong Báu vật của đời của Mạc Ngôn được xuất hiện nhiều lần đã thoả nguyện niềm khát khao mong đợi của cả gia đình Lã thị. Nhưng chín đứa con đã ẩn chứa mầm mống của nỗi thương đau, của cõi chết. Tất cả các cô gái của nhà Thượng Quan cuối cùng cũng trở về với cát bụi. Số chín vừa mang ý nghĩa tốt đẹp nhất nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của hư vô, là con số của sự bắt đầu và kết thúc. Tâu du ký là tác phẩm thuộc loại tiểu thuyết thần ma. Tuy nhiên Ngô Thừa Ân đã nhào nặn đầy sáng tạo những mẫu đề thần thoại, Tiên thoại và Phật thoại. Đặc biệt là Phật thoại, Tôn Ngộ Không ba lần đánh tan Bạch cốt tinh là những trận chiến đấu gay go ác liệt, thể hiện cuộc vật lộn đầy gian khổ giữa cái biết và chưa biết theo quan niệm của Phật giáo. Cần thấy thêm rằng tên gọi Tôn Ngộ Không cũng thể hiện nấc cao của sự nhận thức tức sự giác ngộ và thấu hiểu chân lý “sắc – không”của đạo Phật. Và chín lần chín tám mươi mốt nạn, ở góc độ nào đó là nấc thang trong quá trình giải mã để tiến đến chân lý. Hình tượng Phật với pháp lực vô biên, với sự thông tuệ tuyệt vời thể hiện khác vọng và trí tuệ siêu nhiên. Và tám mươi mốt kiếp nạn là quá trình giác ngộ đạt tới đỉnh cao của nhận thức là một chủ đề quan trọng trong Tây Du Ký. Trong nghệ thuật tranh tượng Phật giáo, sư tử trở thành biểu tượng với bức tranh Sư tử nâng tòa ngồi của chư Phật và chư bồ tát. Những bức tranh này ta được thấy nhiều ở các chùa chiền. Nó biểu trưng cho trí tuệ, sự siêu phàm không bị ô nhiễm bởi vô minh với tâm thức thuần tịnh. 3. Biểu tượng về ma quỷ, mộng ảo. Là sản phẩm của trí tưởng tượng nên ma quỷ mang tính huyễn hoặc đậm nét. Nó là biểu hiện của sự sợ hãi với các thế lực do con người tưởng tượng ra. Quỷ không còn là vật siêu linh nữa mà mang bóng dáng của con người. Và sự thờ cúng ma quỷ chính là một hoạt động rũ bỏ mặt tối của bản thân để tìm về sự cân bằng trong tâm hồn, đó cũng có thể coi là một hoạt động của văn hoá tâm linh. Ma quỷ không chỉ là môtíp nghệ thuật quen thuộc mà nó đã trở thành biểu tượng. Bởi mỗi khi nhân vật cảm thấy bất an trong tâm hồn hay không có sự cân bằng về mặt tâm, sinh lí thì ma quỷ lại xuất hiện như một sự ám ảnh, sợ hãi ma quỷ bắt nguồn từ tâm thức sợ hãi những gì thuộc về chính mình trong thế giới thực tại. Mỗi câu chuyện trong Liêu trai chí dị vừa có cái chân thực đến mộc mạc của đời thường lại vừa có cái kỳ ảo, huyễn hoặc. Thế giới ma quỷ được miêu tả trong Liêu trai chí dị là âm phủ, là thế giới trần gian nhưng cũng đầy yêu ma. Cũng sử dụng những yếu tố thần ma, biến hóa ly kỳ có nguồn gốc từ thần thoại để phản ánh những vấn đề xã hội là một lớp ý nghĩa nghệ thuật dễ nhìn thấy trong Tây du ký. Vốn không bao giờ thoả mãn với những gì mình đang có, con người đã không ngừng mơ ước, giữa cái hiện thực đến trần trụi của đời thường, họ luôn mong muốn tìm đến ảo ảnh nào đó với mong muốn tạo nên sự huyền diệu cho cuộc sống. Văn học – nghệ thuật luôn gắn liền với đời sống, phản ánh tâm tư, tình cảm của con người. Do đó, giấc mơ là một trạng thái tâm lí được phản ánh nhiều trong văn học. Trong lịch sử văn học Trung Hoa, truyện cổ tả về giấc mơ khá nhiều, đặc biệt là hai thể loại chí quái và truyền kì. Giấc mơ thường là siêu thực nhưng vẫn giữ lại một phần hiện thực. Với những tác giả xưa, giấc mơ chứa nhiều ảo giác, nhiều hiện tượng nhưng lại phản ánh sự sống một cách thực tiễn và sinh động. Giấc mộng được xây dựng dựa trên cơ sở hiện thực. Khi hiện thực không đạt tới thì giấc mơ sẽ giúp con người thoả mãn đó cũng là phương thuốc tinh thần hữu hiệu. Giấc mộng soi thấu nỗi lòng con người và trong một chừng mực nào đó giấc mộng thể hiện thế giới tâm linh của chủ thể. Những giấc mơ ấy giải thoát những ám ảnh, những dục vọng, những ẩn ức không được thoả mãn trong đời sống. Ví dụ hình ảnh “nhất chẩm hoàng lương” (một giấc kê vàng) hay “Nam Kha nhất mộng” (Giấc mộng Nam Kha) không chỉ trở thành một điển cố văn học mà nó đã trở thành một biểu tượng. Bằng chứng là sau này các nhà văn nhà thơ đã mượn hình ảnh này để thể hiện suy nghĩ của mình. Hai câu thơ trong bài Nhớ Chung sơn của Vương An Thạch “Sao còn đợi mãi kê vàng chín. Chợt tỉnh nhân gian đúng mộng đời” đã thể hiện cảm thán của nhà thơ lúc cuối đời. “Mộng ảo trăm năm như nước chảy, Cùng ca một khúc với núi xanh” chính là khúc ai ca của Hoàng Đình Kiên- một kẻ sĩ từng chịu nhiều kiềm tỏa, chèn ép trong bài Trọng Quang sơn đạo. Đặc biệt Tô Thức, suốt nửa cuối đời chìm nổi trong phong ba hiểm ác thì sự cảm nhận đời người như mộng lại càng sâu sắc “Từ sưa đến nay đều như mộng, sao còn tỉnh mộng, đã trải vui cũ cùng oán mới” “Thế gian là một trường mộng lớn, nhân gian mấy độ thê lương”. Tào Tuyết Cần tác gải Hồng Lâu Mộng xuất thân trong gia đình “danh gai vọng tộc” sa suốt, đã từng sống trong xã hội phong kiến trên con đường suy vong đã chịu đủ nỗi vinnh nhục đắng cay. Trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng tác giả đã dùng mộng ảo làm cơ sở soi chiếu cuộc sống. Đối diện với hiện thực cuộc sống, tác giả dùng hình tượng nghệ thuật để biểu hiện cảm nhận của mình về “thế gian vạn sự đều là không”. 4. Biểu tượng kiến trúc Biểu tượng này bao gồm các biểu tượng về nghệ thuật thiết kế và xây dựng các công trình, tổ chức các công trình về không gian, phục vụ cuộc sống và hoạt động của con người. Nó gồm một hệ thống đồ sộ như các ngôi nhà, đền chùa, tượng đài, các công trình tổng thể không gian ngoài trời có tính biểu trưng cao, nó ẩn chứa quan niệm sống của con người. Biểu tượng về kiến trúc không chỉ có giá trị đơn thuần về vật chất mà còn có cả giá trị về tinh thần. Vốn là một ngành nghệ thuật có tính tổng hợp bao chứa các yếu tố của các loại hình nghệ thuật như điêu khắc, hội hoạ, trang trí,... Chính vì thế, biểu tượng về kiến trúc tham gia vào lĩnh vực văn hoá tinh thần, hình thành nên môi trường thẩm mĩ của cuộc sống, phản ánh trung thực ý tưởng của thời đại. Nghệ thuật kiến trúc xuất hiện sớm, từ khi con người còn là một động vật. Con người đã có những phát kiến thông minh cho nơi ở của mình trước khi biến chuyển từ vượn thành người. Ở thời kỳ đầu ngôi nhà biểu trưng cho không gian sống và là nơi ghi dấu lãnh thổ của từng gia đình tính theo huyết tộc. Sau này, ngôi nhà có sự diễn hoá theo thời gian, nó thể hiện đẳng cấp, tôn giáo, chức năng, nghề nghiệp... của chủ nhân. Tuy mỗi thời đại có những đặc trưng thẫm mĩ khác nhau nhưng ý nghĩa và quan niệm giá trị về ngôi nhà vẫn được bảo tồn. Qua tìm hiểu ta nhận thấy di sản nghệ thuật của các dân tộc phương Đông còn bảo lưu khá nhiều biểu tượng. Các dân tộc phương Đông muốn biểu đạt ý niệm tôn sùng một đối tượng, để hiện thực hoá ý niệm này, họ phóng đại đến mức siêu nhiên hoặc tạo ra những hình khối có thể tích cực lớn của đối tượng được tôn sùng vì thế xuất hiện những biểu tượng như Kim tự tháp Ai cập, tượng Pharaông,… . Những Kim tự tháp Ai Cập vĩ đại những ngọn núi khổng lồ và hết sức kiên cố, thể hiện sức mạnh thần bí và sự trường tồn của những nhân vật nằm trong đó; bức tượng Pharaông vô cùng to lớn tượng trưng cho sức mạnh và sự uy nghiêm của ông ta. Để thể hiện pháp lực vô biên và sự vĩ đại của thần, người ta thường biểu thị bằng công năng của diện tích và thể tích cực lớn. Đền thờ Kanake hùng vĩ nổi tiếng Ai Cập dùng mấy trăm cây cột cao mấy chục mét, tất cả đều thể hiện thần lực vô biên của thần mặt trời A môn. Với khát vọng thiết lập các mối quan hệ giữa hệ thống tín hiệu với vũ trụ, những nghệ sĩ Trung Hoa bằng tài năng và sáng tạo nghệ thuật của mình đã dần biến những ngôi nhà tự nhiên đầy hoang sơ thành những biểu tượng nghệ thuật. Sự hình dung về ngôi nhà trong văn học – nghệ thuật đã vượt xa ý nghĩa ban đầu và trở nên trừu tượng hoá, vừa hữu hình vừa vô hình, mang đậm bản sắc Trung Hoa. Kết luận Trong lời dẫn của cuốn sách Đối thoại với tiên triết phương Đông các nhà văn hoá lớn đã khẳng định rằng : “Văn hoá sẽ trở thành mảng cơ bản nhất mà loài người tập trung chú ý. Vòng văn hoá sẽ trở thành đơn vị hoạt động cơ bản nhất của loài người. Sự xung đột và giao du giữa các hình thức văn hoá sẽ trở thành bộ mặt cơ bản của thế giới tương lai”. Con người tư duy bằng biểu tượng giao tiếp bằng biểu tượng và thể hiện tâm tư, tình cảm sâu kín nhất cũng như những thăng hoa, những khát vọng của mình cũng bằng những biểu tượng. Vì thế khi ta lí giải được những biểu tượng văn hoá có nghĩa là ta đã tìm thấy những giá trị khoa học và nhân văn của cả dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lại Nguyên Ân (1992), “Thần thoại, văn học, văn học huyền thoại”, Tạp chí văn học số 3. 2. Trần Lê Bảo (2011) Giải mã văn học từ mã văn hóa, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội. 3. Chevalier J.Gheebrant A (1997), Từ điển biểu tuợng văn hoá thế giới, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phòng, Nguyễn Văn Vĩ dịch, Nguyễn Thị Bình viết lời tựu, Nhà xuất bản Đà Nẵng. 3. Đặng Đức Siêu (2005), Văn hóa Trung Hoa, Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội.
|
Tác giả: TS. Tạ Thị Thủy |
- KẾ HOẠCH HỘI THẢO KHOA HỌC KHOA VĂN HÓA- THÔNG TIN
- KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN THAM DỰ NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CƠ SỞ NĂM 2023
- TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN – ĐIỂM NHẤN CỦA VĂN HÓA HÀM RỒNG
- TÍNH BIỂU TƯỢNG TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC – NGHỆ THUẬT
- BẢNG MÔN ĐÌNH – NƠI TÔN VINH NHO GIÁO VÀ ĐẠO HỌC
- YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ TRÌNH BIẾN ĐỔI LỄ HỘI THÁI MIẾU NHÀ HẬU LÊ, PHƯỜNG ĐỒNG VỆ,THÀNH PHỐ THANH HÓA
- TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA, ĐÔ THỊ HÓA ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA Ở THÀNH PHỐ THANH HÓA HIỆN NAY.
- QUYẾT ĐỊNH NGHIỆM THU ĐỀ TÀI SINH VIÊN NĂM HỌC 2022-2023
- PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
- HÀM RỒNG - VÙNG ĐẤT TÍCH TỤ NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA ĐẶC BIỆT