CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

VAI TRÒ CỦA KIỂM HUẤN VIÊN TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HÀNH THỰC TẬP CỦA SINH VIÊN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

Đăng lúc: 22/02/2019 (GMT+7)
100%

Trong những năm trở lại đây, ngành Công tác xã hội đã có những bước tiến chứng minh tầm quan trọng trong hệ thống kinh tế xã hội. Với đặc thù là ngành có tính chất thực hành cao, trong quá trình đào tạo ngành Công tác xã hội, học phần thực hành- thực tập luôn được chú trọng. Thực hành, thưc tập công tác xã hội là cơ hội để sinh viên có được những trải nghiệm thực tế, kết nối giữa các khái niệm, lý thuyết với các kỹ năng, đóng góp vào việc phát triển hoàn thiện năng lực của nhân viên xã hội trên cơ sở nền tảng kiến thức cơ bản và hành vi thực hành chuyên môn. Công tác kiểm huấn giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo được mục tiêu của quá trình này. Vậy vai trò của kiếm huấn viên trong quá trình thực hành - thực tập của sinh viên ngành công tác xã hội là gì? Vai trò này có thuận lợi và khó khăn như thế nào trong quá trình thực hành, thực tập. Bài viết này sẽ phân tích và làm rõ, cũng như đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả kiểm huấn trong quá trình thực hành, thực tập sinh viên ngành công tác xã hội.

1. Một số khái niệm liên quan
1.1. Khái niệm Công tác xã hội

Theo Hiệp hội Quốc gia NVCTXH (NASW): Công tác xã hội là hoạt động nghề nghiệp giúp đỡ cáccá nhân, nhóm hay cộng đồng để nhằm nâng cao hay khôi phụctiềm năng của họ để giúp họ thực hiện chức năng xã hội và tạo ra các điều kiện xã hội phù hợp với các mục tiêu của họ ( Zastrow, 1996:5).

Theo Cố Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh (trích từ tài liệu hội thảo công tác xã hội năm 2004): Định nghĩa cổ điển: CTXH nhằm giúp cá nhân và cộng đồng TỰ GIÚP.

Nó không phải là một hành động ban bố của từ thiện mà nhằm phát huy sứ mệnh của hệ thống thân chủ (cá nhân, nhóm và cộng đồng) để họ tự giải quyết vấn đề của mình.

Theo Liên đoàn Chuyên nghiệp Xã hội Quốc tế (IFSW) tại Hội nghị Quốc tế Montreal, Canada, vào tháng 7/2000: CTXH chuyên nghiệp thúc đẩy sự thay đổi xã hội, tiến trình giải quyết vấn đề trong mối quan hệ con người, sự tăng quyền lực và giải phóng cho con người, nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái và dễ chịu.

Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội. CTXH can thiệp ở những điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ.

Theo đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ: CTXH góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người, hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của thân chủ xã hội, hướng tới một xã hội lành mạnh, công bằng, hạnh phúc cho người dân và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

1.2. Khái niệm thực hành, thực tập trong đào tạo công tác xã hội

Thực hành công tác xã hội được hiểu là quá trình sinh viên tiếp xúc, làm việc

với các thân chủ, là những người, nhóm người hoặc cộng đồng có vấn đề, vận dụng các kỹ năng, phương pháp công tác xã hội để giúp họ giải quyết các vấn đề của mình, dưới sự hướng dẫn và giám sát của kiểm huấn viên, là những người đang làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội tại cơ sở hoặc giảng viên thực hành tại thực địa. Thực hành trong đào tạo công tác xã hội đóng vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển những kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của sinh viên.

1.3. Khái niệm kiểm huấn

Theo Hiệp hội Quốc gia Nhân viên xã hội Mỹ (NASW – National Association of Social Workers) (1994): Kiểm huấn là mối quan hệ giữa kiểm huấn viên và người

được kiểm huấn nhằm thúc đẩy sự phát triển về trách nhiệm, kỹ năng, kiến thức, thái độ và các tiêu chuẩn đạo đức trong thực hành công tác xã hội. Quá trình này giúp cho quá trình giúp đỡ và cung cấp dịch vụ cho thân thân chủ thêm hiệu quả và chất lượng

1.4. Khái niệm Kiểm huấn viên

Là người hướng dẫn làm việc tại địa bàn khi sinh vên xuống thực hành tại địa bàn. Người kiểm huấn sẽ hướng dẫn sinh viên cách thức làm việc và đánh giá kết quả thực hành, thực tập của sinh viên sau quá trình thực hành, thực tập. Hiện nay, dưới sự phát triển của đề án 32 và nhu cầu sử dụng nhân viên xã hội được đào tạo đúng chuyên ngành, các cơ sở thực hành đã có một đội ngũ kiểm huấn viên.

1.5. Vị trí và mục đích của thực hành, thực tâp trong chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội

*Vị trí của thực hành, thực tâp trong chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội

Thực hành, thực tập là một phần không thể thiếu trong khung chương trình đào tạo ngành công tác xã hội (CTXH). CTXH là một ngành khoa học ứng dụng, vì thế, thực hành thực tập luôn chiếm giữ môt vị trí quan trọng để sinh viên có cơ hội trải nghiệm, áp dụng những kiến thức đã được học trên lớp vào thực tiễn. Với ba phương pháp của CTXH là CTXH cá nhân, nhóm hay phát triển cộng đồng, sinh viên được thực tập trên những nhóm đối tượng khác nhau, với điêù kiện, hoàn cảnh khác nhau. Qua đó, sinh viện nhận thực được nhiệm vụ, công việc, giá trị đạo đức nghề nghiệp. Biết gắn liền giữa lý thuyết vào thực hành, và hình thành nên những kỹ năng phục vụ cho công việc sau này.

* Mục đích của thực hành, thực tâp trong chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội

- Cung cấp cơ hội trải nghiệm công việc thực tế cho sinh viên với vai trò của một nhân viên xã hội chuyên nghiệp tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hôi như các trung tâm bảo trợ xã hội, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương, tổ chức phi chính phủ…

- Giúp sinh viên hình thành, xây dựng, phát triển và hoàn thiện các kỹ năng nghề nghiệp như kỹ năng tham vấn, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng lắng nghe… những kỹ năng này, là những kỹ năng nền tảng trong quá trình hoat động nghề của một NVXH chuyên nghiệp. Cùng với quá trình thực hành thực tập, những kỹ năng này sẽ được rèn luyện giữa lý thuyết và thực hành chuyên môn.

- Thúc đẩy, nâng cao hiểu biết và vận dụng các nguyên tắc chuẩn mực đạo đức và giá trị của nghề CTXH đối với sinh viên trong thực tế.

- Nâng cao khả năng áp dụng các kiến thức nền tảng về CTXH thông qua thực hành các kỹ năng đánh giá, can thiệp và lượng giá đối với các cá nhân, nhóm và cộng đồng.

Yêu cầu đối với Kiểm huấn viên trong quá trình thực hành - thực tập của sinh viên ngành công tác xã hội
Trong quá trình tiếp nhận sinh viên về thực hành thực tập tại cơ sở, những yêu cầu thiết yếu của một kiểm huấn viên cần có gồm: kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và thái độ nghề nghiệp đúng mực.

Cụ thể là, các yêu cầu đối với kiểm huấn viên như sau:

Kiểm huấn viên phải là người được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác xã hội, nghiệp vụ kiểm huấn và trình độ chuyên môn về công tác xã hội hoặc các chuyên ngành gần với ngành công tác xã hội.

Kiểm huấn viên cần thể hiện được các giá trị đạo đức của nghề công tác xã hội cũng như thái độ chuyên môn đối với thân chủ và cơ sở làm việc.

Kiểm huấn viên quan tâm và có khả năng cần thiết để đảm nhiệm được công việc kiểm huấn sinh viên.

Kiểm huấn viên cần có những hiểu biết cơ bản về kiến thức, kỹ năng thực hành công tác xã hội, thông thạo nắm vững các chương trình dịch vụ do cơ sở cung cấp.

Kiểm huấn viên nắm được quy trình thực hành công tác xã hội của sinh viên tại cơ sở và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.

Thực trạng đào tạo và kiếm huấn trong quá trình thực hành - thực tập của sinh viên ngành công tác xã hội
Hiện nay, với hệ thống các trường đào taọ rộng khắp trên cả nước đã đáp ứng nhu cầu học tập, nhân lực cho ngành công tác xã hội. Tuy nhiên, với đặc thù là một ngành cần thực hành liên tục để người học có cơ hội áp dụng lý thuyêt, kiến thức chuyên môn vào thực tế. Chính vì vậy, quá trình thực hành - thực tập chiếm một vị trí quan trọng trong đào tạo ngành công tác xã hội. Trong đó, mạng lưới cơ sở thực hành là một yếu tố cần thiết không thể thiếu trong đào tạo thực hành CTXH. Hệ thống này góp phần quan trọng trong chất lượng đào tạo sinh viên ngành CTXH.

Trên thế giới, ở các nước có lịch sử đào tạo CTXH hàng trăm năm như Anh, Úc, Ấn Độ, Mỹ, Philippines đều có các quy định, yêu cầu cụ thể trong đào tạo lý thuyết và thực hành CTXH. Ở các quốc gia này, các lĩnh vực thực hành CTXH đã được chú trọng triển khai như: công tác xã hội với cá nhân, công tác xã hội với nhóm, phát triển cộng đồng… tại các cơ sở thực hành này, ngoài những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, nghề nghiệp chức vụ thì chất lượng đội ngũ Kiểm huấn viên cũng được quan tâm và kiểm soát chặt chẽ. Bao gồm: trình độ, năng lực của kiểm huấn viên, trách nhiệm, nhiệm vụ của kiểm huấn viên, thâm niên nghề nghiệp, trình độ đạo đức của kiểm huấn viên. Chính sự phát triển đi trước này mà hiện nay việc đào tạo CTXH và thực hành CTXH của các nước này đều có những bước tiến vượt bậc.

Tại Việt Nam, CTXH mới được công nhận và phát triển mạnh mẽ khoảng 10 năm trở lại đây. Cùng theo đó, là nhu cầu nhân lực ngành CTXH ngày một tăng cao. Các cơ sở bảo trợ, trung tâm CTXH trải dài trên cả nước nhưng chất lượng đào tạo thực hành – thực tập cũng như vai trò của Kiểm huấn viên chưa được đề cao.

Hệ thống các cơ sở thực hành CTXH cho sinh viên còn thiếu đặc biệt là những cơ sở cung cấp các dịch vụ có tính chất chuyên nghiệp thì không nhiều. Sinh viên ngành CTXH thường được gửi đi thực hành - thực tập tại các cơ sở trung tâm bảo trợ xã hội nhà nước hoặc tư nhân, nhưng không phải cơ sở nào cũng có sự phát triển dịch vụ CTXH đúng chuyên môn, đúng ngành nghề. Điển hình có những trường đào tạo CTXH với con số hàng trăm sinh viên, khiến nhu cầu thực hành - thực tập rất lớn. Trong khi mô hình của các cơ sở trung tâm bảo trợ, trung tâm thực hành công tác xã hội chỉ tiếp nhận được một số lượng sinh viên nhất định.

Đi kèm với việc thiếu cơ sở thực hành CTXH, đội ngũ NVXH có đủ trình độ, khả năng kiểm huấn sinh viên còn rất thiếu. Rất nhiều nhân viên của các trung tâm, cơ sở thực hành đang làm trái ngành đào tạo chính vì vậy, số lượng kiểm huấn viên tại cơ sở thực sự thiếu cả về chất lượng và số lượng. Trong báo cáo thống kê số lượng kiểm huấn viên trên một sinh viên của trường Đại học Lao động xã hội cơ sở Hà Nội, thì trung bình 1 kiểm huấn viên cơ sở phải kiểm huấn ít nhất 15 sinh viên. Trong khi họ vẫn phải đảm bảo đủ thời gian làm các công việc chuyên môn, chính vì vậy, chất lượng kiểm huấn không cao. Có thể nói là, thời gian để kiểm huấn viên cầm tay chỉ việc cho sinh viên đến thực hành tại cơ sở là quá ít, chính vì vậy, kéo đến hiệu quả kiểm huấn không cao. Về chất lượng đội ngũ kiểm huấn viên, một số cơ sở thực hành đã tạo điều kiện cho nhân viên được tham gia các khóa đào tạo về nghiệp vụ kiểm huấn cho sinh viên, tuy nhiên số lượng các khóa đào tạo kiểm huấn này không nhiều, nên kiểm huấn viên tại cơ sở thường sử dụng bằng chính kinh nghiệm của mình để hướng dẫn sinh viên.

Nhận thức của lãnh đạo một số cơ sở thực hành CTXH về tiếp nhận sinh viên ngành CTXH đến thực tập chưa cao. Họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo thực hành CTXH, chính vì vậy, họ có thể từ chối sinh viên đến thực hành, nếu không họ có thể tiếp nhận sinh viên thực hành một cách miễn cưỡng hoặc yêu cầu sinh viên làm ít công việc liên quan đến chuyên môn, hoặc thậm chí là cho số liệu sinh viên viết báo cáo mà không cần đến thực hành… Những yếu tố cản trở trên, khiến quá trình thực hành - thực tập của sinh viên gặp rất nhiều khó khăn.

Cơ sở vật chất của các cơ sở, trung tâm thực hành CTXH còn thiếu và yếu, đặc biệt về cơ sở vật chất. Các cơ sở trung tâm thực hành đều có những cơ chế hoạt động đặc thù riêng, đối tượng trợ giúp trong CTXH cũng khác nhau. Chính vì vậy, cơ sở vật chất tại các cơ sở, trung tâm thực hành còn nhiều thiếu thốn. Những khó khăn về không gian làm việc với thân chủ, khó khăn về các dịch vụ trợ giúp xã hội… đã làm cản trở hiệu quả hoạt động của các hoạt động thực hành - thực tập cho sinh viên.

Ngoài ra thái độ của sinh viên đi thực hành - thực tập tại cơ sở cũng là thực trạng đáng quan tâm trong quá trình đi thực hành - thực tập. Một bộ phận không nhỏ, sinh viên không nhận thức được tầm quan trọng của thực hành CTXH trong quá trình học tập nên có thái độ ỷ lại, chây lì, không có tinh thần tiếp thu trí thức mới. Các em có thể không đi thực tập - thực hành mà vấn đến cơ sở xin dấu nhờ sự quan hệ, quen biết từ trước, thái độ đi thực hành không chuyên sâu, không thể hiện sự tận tâm với thân chủ.

Ngoài ra, sinh viên còn chưa được trang bị đủ kỹ năng để làm việc, thể hiện sự gắn bó và thái độ thực hiện nghề nghiệp chuyên môn với thân chủ như đã được đào tạo trên ghế nhà trường.

Thực trạng trên đã chỉ ra, những khó khăn của quá trình sinh viên đi thực hành -thực tập tại cơ sở cũng như những khó khăn của cơ sở, trung tâm thực hành. Mối liên hệ này, đã cho thấy, những yếu tố làm cản trở đến quá trình thực hành - thực tập của sinh viên ngành CTXH. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, không thể kể đến vai trò, giá trị của những kiềm huấn viên trong tiến trình hướng dẫn, đào tạo sinh viên ngành CTXH. Họ đóng vai trò, là những người hướng dẫn, chỉ việc và kiểm tra giám sát sinh viên trong quá trình thực hành - thực tập tại cơ sở.

Vai trò của kiểm huấn viên trong quá trình thực hành - thực tập của sinh viên ngành công tác xã hội
* Vai trò là người hướng dẫn, cung cấp thông tin: Tại cơ sở, trung tâm thực hành, kiểm huấn viên đóng vai trò là người hướng dẫn, cung cấp thông tin cho sinh viên.

Không chỉ là người hướng dẫn lý thuyết, kiểm huấn viên là những người có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc, chính vì vậy, họ giữ vai trò là người hướng dẫn kỹ năng, kiến thức cho sinh viên suốt quá trình thực hành thực tập. Ngoài ra, kiểm huấn viên có thể cung cấp thông tin cho sinh viên một số thông tin cơ bản về đối tượng hoặc kiểm tra đối chiếu thông tin sinh viên thu thập được từ thân chủ nhằm giúp sinh viên hoàn thiện tốt quá trình thực hành - thực tập.

* Vai trò là người quản lý hiệu quả, thời gian thực hành: thực hành – thực tập là một quá trình mà ở đó sinh viên được làm việc như một nhân viên xã hội. Họ có sự va chạm với môi trường làm việc, trải nghiệm thực tế…chính vì vậy, cần phải đảm bảo thời gian thực hành thực tập. Qua đó sinh viên nhận thức được trách nhiệm đối với cơ sở thực tập, thân chủ và với nghề nghiệp chuyên môn đang theo đuổi. Quá trình kiểm tra giám sát này cần được lập kế hoạch với sinh viên một cách rõ ràng nhằm tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp cho sinh viên học hỏi một cách tốt nhất.

* Vai trò giám sát theo dõi: Ngoài vai trò hướng dẫn, việc giám sát theo dõi sinh viên thực hành thực tập trong quá trình trợ giúp thân chủ là vai trò cần thiết của một kiểm huấn viên. Thân chủ được trợ giúp tại các cơ sở bảo trợ xã hội thường có những yếu tố, đặc điểm tâm lý, đặc điểm trợ giúp khác nhau. Chính vì vậy, việc kiểm huấn viên thực hiện vai trò kiểm tra giám sát giúp simh viên đi đúng hướng trợ giúp và thực hiện kế hoạch trợ giúp cho thân chủ một cách kịp thời. Đồng thời kiểm huấn viên có thể hỗ trợ sinh viên trong trường hợp sinh viên có vướng mắc hoặc vấn đề với thân chủ

* Vai trò động viên khuyến khích: trong quá trình thực hành thực tập tại cơ sở, sinh viên đóng vai trò là người học hỏi, học việc từ chính các nhân viên xã hội tại cơ sởthực tập. Chính vì vậy, sinh viên sẽ gặp phải khó khăn, vướng mắc hay sai sót trong quá trình thực tập. Tuy nhiên kiểm huấn viên sẽ là người giúp sinh viên cân bằng tâm lý cũng như có những nhận xét góp ý, chia sẻ và động viên khuyến khích sinh viên một cách kịp thời. Giúp sinh viên cảm thấy gắn bó, yêu nghề, tự tin với công việc đang làm tại cơ sở. Sự động viên đánh giá chứng tỏ sự quan tâm của kiểm huấn viên ngay tại cơ sở thực hành với sinh viên.

* Vai trò đánh giá kết quả: trong suốt quá trình thực hành - thực tập, kiểm huấn viên sẽ có vai trò trong việc đánh giá kết quả thực hành – thực tập của sinh viên. Cụ thể vai trò này được thể hiện thông qua các phiên kiểm huấn giữa kiểm huấn viên với sinh viên, kết quả trong thực hiện trợ giúp với đối tượng và quá trình làm việc với đối tượng được kiểm huấn viên kiểm tra và giám sát. Đối với kiểm huấn viên, sự đánh gía giám sát được thể hiện thông qua các buổi báo cáo tổng kết và bài báo cáo cuối kỳ thực hành -thực tập. Ở vai trò này, kiểm huấn viên cần có kỹ năng quản trị cũng như tinh thần trung thực, minh bạch, công bằng để đánh giá quá trình thực hành - thực tập của sinh viên.

Một số kết luận
Có thể thấy, hiện nay mặc dù đã được sự quan tâm ủng hộ của hệ thống chính sách pháp luật, hành lang pháp lý về ngành CTXH cũng như sự phát triển vượt bậc về hệ thống đào tạo ngành CTXH, ngành CTXH đã có những sự chuyển mình mạnh mẽ, mang lại những đóng góp to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để ngành CTXH trở thành ngành có tính chất đặc thù và phát triển hơn nữa, cũng như mang lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành CTXH rất cần sự nỗ lực vươn lên của sinh viên cũng như nâng cao hiệu quả đào tạo thực hành và lý thuyết trong đào tạo ngành công tác xã hội.

Hiện nay, tuy còn nhiều khó khăn trong thực hành thực tập đào tạo ngành CTXH nhưng có thể thấy, với sự chú trọng của các bên liên quan, quá trình thực hành thực tập đã được đề cao trong tiến trình đào tạo và giảng dạy.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò quan trọng to lớn của đội ngũ kiểm huấn viên, những người có kinh nghiệm trong quá trình thực hành CTXH và kiến thức chuyên môn, sự tâm huyết, lòng yêu nghề sẽ mang lại cho sinh viên những bài học nghề nghiệp và xây dựng lên những thế hệ nhân viên xã hội có kiến thức chuyên môn và lòng yêu nghề.



TÀI LIỆU THAM KHẢO



Hà Thị Thùy Dương (2016), Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm huấn viên trong đào tạo công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay, Hội thảo tại trường Cao đẳng Trung ương Tp.HCM.
Phạm Thanh Hải (2016), Xây dựng mạng lưới thực hành, thực tập hướng tới chuyên nghiệp nghề công tác xã hội tại trường Đại học Lao động – Xã hội (CS II), Tạp chí Khoa học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trang 214.
Hồ Sỹ Thái (2015), Đội ngũ Kiểm huấn viên chuyên nghiệp – Yếu tố quan trọng trong đào tạo cử nhân công tác xã hội theo hướng thực hành, Hội thảo khoa học quốc tế - Công tác xã hội Việt Nam thách thức tính chuyên nghiệp trước nhu cầu hội nhập