CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

TIN HỌC HÓA QUY TRÌNH QUẢN LÝ THI (NỘP ĐỀ, RA ĐỀ, TỔ CHỨC THI) TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

Đăng lúc: 29/11/2018 (GMT+7)
100%

Ngày này, khi thời đại công nghệ thông tin và truyền thông bùng nổ, việc tin học quá các quy trình làm việc được áp dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực trong đời sống. Đặc biệt, đối với giáo dục ngành được các quốc gia xem như là “mũi nhọn” phát triển để giúp các nước có thể “đi tắt, đón đầu” đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Là một cơ sở giáo dục chuyên nghiệp đặc thù mới thành lập, trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang vươn mình lên nhằm hòa nhập với giáo dục quốc tế. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ thông tin nhằm tin học hóa các quy trình làm việc là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong quy trình thi đánh giá sinh viên cuối kỳ và tốt nghiệp.

 Thực trạng quản lý thi hiện nay tại trường ĐHVHTT & DL Thanh Hóa
Mặc dù mới được nâng cấp từ trường cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật từ năm 2011, nhưng trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã áp dụng quy chế đào tạo theo tín chỉ đối với các ngành học. Quy trình thi trước đây được áp dụng cụ thể như sau:

Đối với các môn lý thuyết thì hình thức thi giữa học phần và kết thúc học phần là: sinh viên làm bài tiểu luận và tổ chức thi vấn đáp các vấn đề liên quan
Đối với các môn thực hành thi và lấy điểm trong quá trình học luôn.
Bắt đầu từ năm học 2014-2015, quy trình thi của trường có sự thay đổi: các môn lý thuyết được tổ chức thi viết và thi tập trung cả trường còn các môn thực hành, kết thúc mỗi tín chỉ sinh viên sẽ có một bài thực hành riêng.

Quy trình thi kết thúc học phần như sau:

Thứ nhất, Về ra đề và nộp đề thi, sau khi tuần học 16 kết thúc, Giảng viên có trách nhiệm nộp đề cho trưởng bộ môn xem xét và phê duyệt . Đề thi phải đi sát với chương trình học của sinh viên. Bộ môn duyệt đề thi do giảng viên ra đề thi nộp lại. Sau đó, Bộ môn nộp đề thi về phòng đào tạo và phòng thanh tra. Phòng Thanh tra có trách nhiệm thu đề và tổ chức bảo mật nghiêm phong đề thi, tránh tình trạng lộ đề thi.

Thứ hai, về tổ chức thi Phòng thanh tra phối hợp với Phòng Đào tạo tổ chức thi theo hình thức thi tập trung, có số báo danh, mã sinh viên, chia phòng thi. Phân công giảng viên coi trông thi. Chia mỗi phòng hai giám thị.

Thứ ba là bốc đề và sao in đề: Trưởng phòng Thanh tra sẽ bốc đề thi trong ngân hàng đề thi, sau khi chọn lựa kĩ càng đề thi sẽ được đưa đi in, số lượng đề được in tương ứng với số môn thi và số sinh viên được phép thi. Khi đến giờ đề được giao cho giám thị 1 mang xuống phòng thi. Đến chuông báo bóc đề, cho sinh viên chứng kiến đề thi nguyên vẹn đã được nghiêm phong và bảo mật. Tiến hành bóc đề thi.

Quy trình thi kết thúc học phần như vậy, sẽ đảm bảo tính khoa học, nghiêm minh và đánh giá được sát năng lực của sinh viên, tuy nhiên quy trình vẫn đang được làm theo cách truyền thống nên tốn thời gian, kinh phí và nguồn nhân lực của nhà trường. Cách làm truyền thống này khiến trường chúng ta có nguy cơ tụt hậu so với bối cảnh hiện nay. Vì vậy, việc tin học hóa quá trình quản lý thi hiện nay tại trường là cần thiết.

Một số vấn đề đặt ra khi tin học hóa quy trình quản lý thi hiện nay tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Thứ nhất là một ngôi trường khá đặc thù về mặt đào tạo, chủ yếu trên 3 lĩnh vực: văn hóa, thể thao và du lịch nên nguồn lực tin học tại trường vẫn đang còn thiếu. Để đảm bảo quy định đối với cán bộ quản lý quy trình thi, kỹ thuật viên của trường cần ít nhất 02 người có năng lực quản lý về tin học, ngoài ra để đảm bảo đội ngũ cán bộ giảng viên nhằm đáp ứng nhu cầu tin học hóa cần khoảng 10 người.

Thứ hai là đối với thi trắc nghiệm

Cần đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị rất nhiều các phòng chức năng đủ để tổ chức thi:
- Phòng thi đảm bảo đủ ánh sáng, bàn, ghế, phấn hoặc bút dạ, bảng hoặc màn chiếu; có đồng hồ dùng chung cho tất cả thí sinh theo dõi được thời gian làm bài; có máy in được kết nối với máy vi tính.

- Có hệ thống cấp điện dự phòng hoặc bộ lưu điện (UPS) đảm bảo hoạt động của hệ thống CNTT trong trường hợp mất điện lưới.

Có hệ thống CNTT đảm bảo cho việc tổ chức thi trên máy:
Mạng nội bộ (LAN)

- Phần cứng gồm: máy chủ nội bộ, máy trạm, thiết bị bảo mật hợp nhất cho hệ thống, thiết bị cân bằng tải đường truyền, thiết bị lưu trữ sao lưu dữ liệu, bộ lưu điện và nguồn điện dự phòng. Số lượng máy tính cá nhân phải đảm bảo mỗi thí sinh một máy riêng biệt và số lượng máy tính dự phòng phải đạt tối thiểu 10% trên tổng số thí sinh dự thi.

- Phần mềm: Máy chủ, máy trạm có cài đặt Hệ điều hành và phần mềm phục vụ thi, máy trạm được cài đặt phần mềm thi trắc nghiệm.

- Mạng LAN có tốc độ kết nối tối thiểu 10Mb/s cho mỗi máy tính của thí sinh.

- Khuyến khích sử dụng phần mềm Quản lý thi cài đặt trên máy chủ có các chức năng như: quản lý đăng ký dự thi, hồ sơ dự thi, cấp mã dự thi, lưu trữ kết quả thi thực hành, điểm thi thực hành, in phiếu xác nhận nộp bài, chức năng mở rộng kết nối trao đổi dữ liệu với các hệ thống thông tin khác.

Máy chủ nội bộ và các máy trạm có cấu hình cao, hoạt động ổn định, hỗ trợ hệ điều hành và các phần mềm được cập nhật kịp thời, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.

Đường truyền kết nối Internet tốc độ tối thiểu 10Mb/s;

Thứ ba là cần có những quy định đối với phần mềm thi trắc nghiệm

Phần mềm phải có những tính năng sau đây:

Có giao diện thân thiện, dễ cài đặt sử dụng.
Cho phép thí sinh tự đăng nhập vào phần mềm để làm bài thi bằng mã định danh của mình được cấp trước.
Có thuật toán chọn ngẫu nhiên nhưng đồng đều các câu hỏi ở các phần khác nhau để tạo ra đề thi trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi. Có đồng hồ đếm ngược ở góc màn hình để thí sinh dễ dàng quản lý thời gian làm bài thi.
Cho phép xem trước câu hỏi và có thể quay lại trả lời sau đó, đồng thời hiển thị (có thể bằng màu sắc khác nhau) các câu đã làm, chưa làm hoặc chưa xác định được câu trả lời.
Tự động đăng xuất và gửi file về máy chủ nội bộ khi hết thời gian làm bài.
Tự động tạo ra các tệp lưu trữ (log files) lưu lại bài làm của thí sinh phục vụ công tác phúc tra.
Chấm được kết quả các câu hỏi trắc nghiệm của thí sinh và thông báo kết quả dưới dạng giấy và trên màn hình ngay sau khi hết giờ hoặc bấm nút “kết thúc”.

Đổi mới phương pháp dạy học và quản lý đào tạo hiện đang là vấn đề cốt tử để nâng cao chất lượng dạy học. Đó là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong cải cách giáo dục ở nước ta hiện nay nói chung và trường trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nói riêng.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và quản lý đào tạo là một công việc lâu dài, khó khăn đòi hỏi rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính và năng lực của đội ngũ giáo viên. Do đó, để đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo thời gian tới có hiệu quả, không có gì khác hơn là nhà trường tăng dần mức đầu tư để không ngừng nâng cao, hoàn thiện và hiện đại hoá thiết bị, công nghệ dạy học; đồng thời hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Bên cạnh đó, có sự chỉ đạo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất bằng các văn bản mang tính pháp quy để trường có cơ sở lập đề án, huy động nguồn vốn đầu tư cho hoạt động này, góp phần làm thay đổi nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và quản lý đào tạo, tạo nên được sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội thông qua mạng, làm cơ sở tiến tới một xã hội học tập. Trên đây là một số ý kiến cá nhân của tôi về việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý thi tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.