CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

NHỮNG NGƯỜI THỢ AN HOẠCH KHẮC BIA TIẾN SĨ Ở VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM

Đăng lúc: 03/11/2013 (GMT+7)
100%

 

Do đặc tính bền vững và thiêng liêng, từ xa xưa đá đã trở thành một vật liệu quan trọng cho các công trình kiến trúc, điêu khắc. Nghề chế tác đá là nghề đã tồn tại từ buổi bình minh của nhân loại cho đến ngày nay. Những người thợ đá đã được các cộng đồng cư dân cổ giao phó nhiệm vụ xây dựng các công trình ấn tượng và trường tồn theo thời gian để đánh dấu cho nền văn minh của mình: Kim Tự Tháp (Ai Cập), thành phố Petra (Jordan) lăng mộ Taj Mahal (Ấn Độ), bức tường đá Sacsayhuaman (Peru), đền Angkor Wat, Angkor Thom (Campuchia), khu đền thờ Tenochtitlan (Mexico), khu đền Persepolis (Iran), đền Parthenon (Hy Lạp)...

Ở phương Tây, ngay từ thời cổ đại, các thợ đá có tay nghề cao được xã hội trọng dụng, được ghi nhớ tên tuổi cùng với tác phẩm nổi tiếng của mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do quan niệm về trật tự sĩ - nông - công - thương nên những người thợ thủ công thường không được chú ý lưu danh lại tên tuổi. Họ hầu như chỉ tham gia làm công tượng cho triều đình hoặc làm thuê cho những gia đình giàu có. Do đó, hầu hết những người thợ thủ công là vô danh. Đối với nghề chế tác đá, người thợ có cơ hội nhiều hơn để lưu lại danh tính của mình, đặc biệt đối với các sản phẩm bia đá. Những người được lưu tên trong bia đá hầu hết là những nhà khoa bảng, những người giết giặc lập công hay quan lại bảo trợ cho một làng, một vùng. Ở cuối bia thường có thêm danh tính của người soạn bia, viết chữ, và đôi lúc của cả những người thợ khắc bia.

Việc ghi tên trên bia đề danh tiến sĩ được coi danh giá nhất. 82 tấm bia đá đề danh Tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội) có niên đại từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41), khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442 (niên hiệu Đại Bảo thứ 3) đến năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40). Việc tổ chức dựng bia, khắc đá, đề danh được tiến hành khá cẩn thận và chu đáo, từ việc chọn đá, tuyển người soạn bài văn bia, người nhuận sắc, người khắc, hình thức trang trí... Tất cả 82 bia này đều khắc hoa văn trang trí cầu kỳ, mang tính cách điệu cao, là những tư liệu có giá trị khi nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Phần nội dung bia, bên cạnh khắc tên tuổi 1.304 vị tiến sĩ Nho học, còn có danh tính các vị chức sắc cao trong triều, tên của người soạn văn bia, người viết chữ, khắc chữ, dựng bia. Qua đó, người đời sau biết được có 2 nhóm thợ tham gia chế tác các bia đá này: nhóm thợ An Hoạch (Thanh Hóa) và nhóm thợ Kính Chủ (Hải Dương). Khi nghiên cứu phong cách nghệ thuật, có thể nhận thấy những bia đục đậm, nét khắc chắc đe là của An Hoạch, bia nét mảnh, có phần tao nhã là của nhóm thợ Kính Chủ.

Chỉ có 5 người được lưu lại tên tuổi với tư cách là người thợ đá, trong đó có 2 là người An Hoạch.

 

Nghề chế tác đá ở An Hoạch có thể coi là một trong những nghề thủ công cổ truyền xuất hiện sớm nhất Việt Nam, phát triển liên tục không bao giờ đứt đoạn cho đến tận ngày nay và gần như luôn hưng thịnh. Nhiều tác phẩm nghệ thuật, đồ thờ bằng đá An Hoạch không chỉ đã trở thành những tác phẩm điển hình của nền nghệ thuật nước nhà mà còn là những minh chứng quan trọng cho nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội qua các thời kỳ. Không những thế, nghề chế tác đá An Hoạch còn có sức lan tỏa, tác động đến sự hình thành và phát triển của nhiều làng nghề chế tác đá nổi tiếng ở những vùng miền khác như Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Ninh Vân (Ninh Bình).

 

Người thợ đá đầu tiên khắc danh tính trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Phạm Thọ Ích người làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Tên của ông được khắc trên tấm bia khoa thi Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724). Bia được khắc năm 1726 (Bảo Thái thứ 7). Trên tấm bia này ông tự xưng mình là thạch công - người thợ đá. Hàng chữ này viết ở diềm phía ngoài nên ít người để ý. Trên tấm bia của khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Bảo Thái thứ 8 (1727) ông viết tên mình vào bên trong, phía dưới tên tuổi của Trung thư giám học sinh, người xã Xuân Đỗ huyện Gia Lâm là Nguyễn Đắc Thụy.

Người thứ hai là Hoàng Quang Trạch, xã trưởng xã Gia Đức, huyện Thủy Đường, lưu tên trên bia tiến sĩ khoa thi năm Quý Sửu niên hiệu Long Đức năm thứ 2 (1733). Bia dựng năm1734 (Long Đức thứ 3), ghi là "Xã trưởng xã Gia Đức huyện Thủy Đường là Hoàng Quang Trạch vâng khắc chữ".

Người thứ ba là Lê Nguyễn Diệu, sinh đồ xã An Hoạch huyện Đông Sơn lưu danh trên tấm bia tiến sĩ khoa thi Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 5 (1739), bia khoa thi Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 4 (1743). Bia dựng năm 1743 (Cảnh Hưng thứ 4), ghi "Sinh đồ xã An Hoạch huyện Đông Sơn là Lê Nguyễn Diệu vâng khắc chữ"

Người thứ tư là bá hộ Lê Khắc Thực lưu danh trên tấm bia tiến sĩ khoa thi Bính Dần niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 7 (1746). Bia dựng năm 1747 (Cảnh Hưng thứ 8), ghi là " Bá hộ Lê Khắc Thực cùng toàn đội vâng khắc chữ".

Người thứ năm là Lê Văn Lộc, thợ đá người thôn Nhuệ, xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, lưu danh trên tấm bia tiến sĩ khoa thi Quý Mùi niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 24 (1763). Bia dựng năm 1763 (Cảnh Hưng thứ 24), ghi là "Lê Văn Lộc thợ đá người thôn Nhuệ xã An Hoạch huyện Đông Sơn vâng mệnh khắc chữ". Lê Văn Lộc là trường hợp thứ hai được ghi tên trên bia Tiến sĩ với chức danh "thợ đá" (sau Phạm Thọ Ích) và được ghi chính thức vào phần thân bia.

Có trường hợp trên văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) ghi danh hai đội lấy đá xã An Hoạch, huyện Đông Sơn.

Ngoài ra, nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc, bia đá ở các địa phương khác trong cả nước có ghi dấu ấn của người thợ đá An Hoạch. Chúng tôi đã tra cứu tại kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và tìm ra được 92 người thợ An Hoạch khắc 99 bia ở vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Con số chắc chắn là chưa đầy đủ nhưng có thể cho thấy sự hưng thịnh của nghề chế tác đá An Hoạch trong lịch sử. Danh tính của những người thợ đá An Hoạch còn lưu lại quá ít so với chiều dài lịch sử làng nghề và hệ thống sản phẩm đồ sộ họ đã chế tác. Tuy nhiên, chỉ với số ít đó cũng đã là một niềm tự hào, mà nhiều nghề thủ công khác khó có được.

 

Chú thích ảnh minh họa

File: Bia 68-1739:  Bia tiến sĩ khoa thi Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 5 (1739) có ghi tên người khắc chữ là sinh đồ xã An Hoạch, huyện Đông Sơn Lê Nguyễn Diệu

 

File: Bia 69-1743:  Bia Tiến sĩ khoa thi Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 4 (1743)  có ghi tên người khắc chữ là sinh đồ xã An Hoạch, huyện Đông Sơn Lê Nguyễn Diệu 

 

File: Bia 76-1763:  Bia tiến sĩ khoa thi Quý Mùi niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 24 (1763) có ghi tên thợ đá Lê Văn Lộc là người thôn Nhuệ xã An Hoạch huyện Đông Sơn.

 

File Bia TS - 02: Nhà bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

 

Tác giả: TS. Lê Thị Thảo