CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

LỄ HỘI ĐỀN LÊ XƯA VÀ NAY

Đăng lúc: 03/11/2022 (GMT+7)
100%

Thái miếu nhà Hậu Lê hay còn được gọi là Đền Lê, là một trong những di tích văn hóa,lịch sử trọng điểm của thành phố Thanh Hóa. Di tích này do nhà Nguyễn ra lệnh xây dựng vào đầu thế kỷ XIX để tưởng nhớ vương triều nhà Hậu Lê trên đất Thanh Hóa. Cùng với di tích là lễ hội được tổ chức “xuân thu nhị kỳ” vào 2 dịp đầu xuân và ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ (tháng 8 âm lịch hàng năm). Đi liền với các hoạt động tế lễ mang tính chất cung đình, tại lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi, trò diễn độc đáo thể hiện tinh thần thượng võ như trò chạy chữ, cướp cù, múa roi, múa kiếm, đi quyền, diễn trò phá trận…Tuy nhiên, với thời gian các hoạt động trong lễ hội tại Đền Lê đã mai một đi nhiều, phần lễ vẫn còn nhưng giản lược, còn phần hội đã gần như biến mất, ảnh hưởng nhiều đến giá trị của di tích. Từ khóa: Thanh Hóa, lễ hội, nhà Hậu Lê, Đền Lê, Thái miếu nhà Hậu Lê.

 
  1. Khái quát về lịch sử di tích

Đền Lê là một trong những di tích quan trọng thờ vương triều Hậu Lê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tọa lạc tại phố Kiều Đại, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Hiện nay, Đền Lê có tên gọi chính thức là Thái miếu nhà Hậu Lê, trong lịch sử ngôi đền này còn có nhiều tên gọi khác như: Đền Bố Vệ, Đền Vua Lê. Tháng 2 năm 1995, Thái miếu nhà Hậu Lê được cấp bằng Di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.

 Ngôi đền này tuy là di tích thờ vương triều nhà Hậu Lê nhưng lại do nhà Nguyễn xây dựng. Ở thời Lê sơ, các vua Lê đã cho xây dựng điện Lam Kinh (nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) trên đất “cố hương” với quy mô hoành tráng làm nơi thờ tự, tế lễ. Tuy nhiên, cùng với sự thăng trầm của triều đại, Lam Kinh nhiều lần bị hùy hoại do chiến tranh và hỏa hoạn, đến thời Lê Trung Hưng không còn là nơi tế lễ nữ1. Thời nhà Nguyễn được thành lập (vốn là dòng họ có nhiều duyên nợ với nhà Hậu Lê), Vua Gia Long đã nói: “Giữ việc thờ cúng nhà Lê là một trọng điển của triều đình[2] và cho dời lăng miếu ở Thăng Long về Thanh Hóa để làm nơi tông miếu chính thức gọi là Miếu các vua Lê, để thờ tự vương triều nhà Hậu Lê. Tuy nhiên lúc này, Lam Kinh không thể khôi phục lại được nữa nên nhà Nguyễn đã chọn một vị trí khác để đặt đền thờ nhà Hậu Lê.

Điển tích của ngôi đền này có ghi lại rằng: Thời Lê Sơ (thế kỷ XV), làng Bố có một người con gái tên là Nguyễn Thị Ngọc Anh được tuyển vào cung làm thần phi của vua Lê Thái Tông. Bà đã sinh được hoàng tử là Lê Bang Cơ. Khi vua Lê Thái Tông mất, hoàng tử Lê Bang Cơ mới 3 tuổi được tôn lên làm vua (tức vua Lê Nhân Tông), bà được tôn phong là Hoàng thái hậu nhiếp chính. Năm Quý Hợi (1443) niên hiệu Thái Hòa, triều đình xây dựng “Điện Chiêu Hoa” tại làng Bố để hàng năm vua và Thái hậu về bái yết Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) và về thăm quê ngoại của vua. Sau khi mẹ con bà Nguyễn Thị Ngọc Anh bị Nghi Dân giết hại (tháng 10 năm 1459) thì điện Chiêu Hoa cũng dần bị hoang phế. Đến đời nhà Nguyễn (1804), Gia Long chọn Hạc Thành làm tỉnh lỵ Thanh Hóa và sau đó một năm (1805) cho di chuyển điện Hoằng Đức (tức Thái miếu của nhà Hậu Lê) từ Thăng Long về Bố Vệ, dựng trên nền cũ của điện Chiêu Hoa.

Vùng đất Bố Vệ này không chỉ là nơi sơn kỳ thủy tú, địa hình và vị trí địa lý thuận lợi, nằm ngay trên đường kinh lý bắc nam mà còn là mảnh đất chứa đựng những trầm tích của vương triều Hậu Lê. Nơi đây có điện Chiêu Hoa, thờ Tuyên từ nhân ý Chiêu túc Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh, đây cũng là nơi sinh của vua Lê Anh tông thời Trung Hưng. Vua thuộc dòng Hoằng quốc công Lê Trừ (anh trai Lê Thái Tổ), khi vua Trung Tông mất không có con kế vị nên được Trịnh Kiểm và các đại thần lập nên. Đây là những lý do để nhà Nguyễn chọn đất Bố Vệ làm nơi dựng đền thời nhà Hậu Lê mới trên đất Thanh Hóa. Nơi đây hiện đang phụng thờ 26 vị hoàng đế, các vị Hoàng Hậu, Hoàng Thái Hậu, chư vị liệt tổ liệt tông cùng các vương công, đại thần nhà Hậu Lê.

Trong sách Đền miếu Việt Nam, giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã có những đánh giá về vị trí lịch sử đặc biệt của ngôi đền và bước đầu khái quát được những đặc điểm về kiến trúc và lễ hội của ngôi đền thờ nhà Lê trên đất Bố Vệ, thành phố Thanh Hóa. Đền nhà Lê được dựng theo phong cách kiến trúc Hậu Lê và thời Nguyễn bao gồm Tiền điện và Hậu điện được nối bằng một sân điện chạy suốt. Tiền điện và hậu điện được bố trí liền nhau theo lối trùng thềm (kiểu chữ Nhị) gồm 7 gian, mái được lợp ngói mũi hài, phía trên đỉnh nóc được trang trí công phu với biểu tượng “lưỡng long chầu nguyệt” chạy gần hết nóc mái.

Trải qua hơn 200 năm lịch sử, Thái miếu đã được tu sửa nhiều lần nhưng đến nay, di tích vẫn lưu giữ nét đặc trưng của lối kiến trúc cổ Việt Nam và nghệ thuật chạm khắc tượng. Tại đền hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc rất có giá trị về nghệ thuật điêu khắc (gạch, ngưỡng, bia, chân tảng, tam quan, khánh đá...). Cũng giống như tại khu di tích Lam Kinh, nơi đây còn thờ hai bậc công thần khai quốc thời Lê sơ là Nguyễn Trãi và Lê Lai. Việc đưa tượng Nguyễn Trãi và Lê Lai vào phối thờ là sản phẩm của tư duy dân gian sau này gán ghép vào vì di tích Thái miếu vốn chỉ thờ các vị vua và hoàng hậu triều Lê (Lê sơ và Hậu Lê, trừ vua Lê Chiêu Thống). Qua đó thấy được tính cung đình và tính dân gian trong hệ thống thờ cúng ở đây.

Thời nhà Nguyễn, Thái Miếu nhà Hậu Lê có vai trò quan trọng. Người già nơi đây còn kể lại nhiều lần vua Bảo Đại, các quan tỉnh huyện tới đây tế lễ và dâng hương. Triều đình nhà Nguyễn cũng quy định hàng năm các quan lớn và tổng Bố Đức làm giỗ Lê Lai, Lê Lợi vào ngày 21, 22 tháng 8 âm lịch hàng năm. Cùng với các hoạt động tế lễ do triều đình và quan lớn của tỉnh thực hiện, nhân dân tại các vùng lân cận của Đền đã biến nơi đây thành một trung tâm sinh hoạt tâm linh của mình với các hoạt động tế lễ vào mùa xuân và mùa thu (tháng 8 âm lịch), đưa nhiều trò chơi, trò diễn vào thực hành tại di tích, đưa lễ hội Đền Lê vừa có tính cung đình vừa có tính dân gian.

  1. Lễ hội Đền Lê xưa

Lễ hội đền Lê là một trong những lễ hội tiêu biểu trên đất Thanh Hóa nhằm tưởng nhớ và tôn vinh anh hùng dân tộc Lê Lợi và vương triều nhà Hậu Lê. Lễ hội này đã được chọn để khảo tả trong sách Lễ hội Việt Nam của Lê Trung Vũ. Lễ hội Đền Lê xưa mang cả hai lớp cung đình và dân gian. Tính cung đình thể hiện ở chổ lễ hội này là mô phỏng của lễ hội Lam Kinh, còn tính dân gian chính là việc nhập hội làng Vệ Yên vào thành một phần quan trọng của lễ hội.

Thanh Hóa nổi tiếng là vùng đất có nhiều lễ hội. Lễ hội Thanh Hóa xưa có hai dòng: dòng dân gian và dòng cung đình, trong đó dòng dân gian chiếm phần đông. Lễ hội Đền Lê lúc ban đầu (thời phong kiến) cũng giống như lễ hội Lam Kinh là lễ hội cung đình, hoạt động chính trong lễ hội là tế tông miếu và liệt tông nhà Lê. Bản chất của lễ hội đền Lê xưa là mô phỏng lễ hội Lam Kinh, hay lễ hội đền Lê chính là một “mảnh vỡ” của lễ hội Lam Kinh.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân “...Lam Kinh nhiều lần bị đốt cháy, cho đến lần cháy điện Lam Kinh thời Tây Sơn thì không thể khôi phục lại được nữa. Nhà Nguyễn thống nhất đất nước đã cho xây đền Lê Bố Vệ và việc lễ hội Lam Kinh được chuyển hẳn về đây”[3]. Như vậy một thời lễ hội đền Lê đã thực hiện chức năng của lễ hội Lam Kinh và là một lễ hội cung đình.

Theo dòng chảy của lịch sử, lễ hội đền Lê có cả sự kết hợp với hội làng Vệ Yên được nhân dân tổ chức vào các ngày mùng 5 đến mùng 8 tháng giêng, với nhiều trò diễn đặc sắc như diễn xướng “chạy chữ, phá trận”, tung cù...nhằm tôn vinh công lao chống giặc ngoại xâm của nhà Lê với lịch sử dân tộc. Bên cạnh nghi thức tế lễ và vũ nhạc theo lối cung đình thì việc du nhập thêm các  hình thức diễn xướng dân gian như trò chạy chữ “thiên hạ thái bình”, tung cù, kéo co, chọi gà của nhân dân các làng xung quanh Bố Vệ, sự tham gia của nhân dân trong các kỳ lễ hội ở đây đã làm cho lễ hội dần có thêm tính dân gian.

Lễ hội Đền Lê xưa được nhà Nguyễn hết sức chú trọng, được nâng lên hàng “quốc tế”. Lễ hội được tổ chức vào các dịp “Xuân Thu nhị kỳ” với nghi thức lớn, việc tế lễ ít nhất phải do quan đầu tỉnh chủ lễ. Nếu lễ hội mùa xuân được tổ chức vào dịp đầu năm, sau tết nguyên đán mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, mọi người khỏe mạnh. Lễ hội chính hàng năm được tổ chức vào các ngày 20, 21, 22 tháng Tám âm lịch (đại lễ là ngày 22 là ngày giỗ của lê Lợi).

Theo các tài liệu tổng hợp được, mỗi năm cứ đến ngày 21 tháng 8, nhân dân Thái Bằng, quê hương Lê Lai đem lễ vật tới Bố Vệ để làm giỗ Lê Lai. Ngày 22 âm lịch là ngày đại tế giỗ Lê Lợi, mờ sáng ngày 22, kỳ lão chức dịch làng Bố Vệ túc trực ở đầu làng (ngã ba Mật Sơn) cùng với phường bát âm và đồng văn, ở đây có đặt hương án để đón các quan, chung quanh có cắm cờ quạt, tán lọng… Khi các quan đầu tỉnh: Tổng Đốc, Án Sát, Bố Chánh cùng các quan khách và người tùy tùng đi cáng đến đây thì các kỳ lão, chức dịch bái lạy, đón rước. Đám rước các quan trống giong, cờ mở tưng bừng tiến về đền Lê. Nhân dân đứng hai bên đường chiêm ngưỡng, nô nức vui như hội. Các quan tỉnh được rước đến Tả vu để chuẩn bị vào Đại tế.

Trong phần nghi thức tế lễ, các quy định tế lễ hết sức chặt chẽ, từ phần cỗ tế phải làm cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn được dùng nguyên con để làm lễ cúng tế) với tục tế sống. Trước khi vào tế các quan phải trải qua lễ quán tẩy là lễ rửa tay trước khi vào tế. Người xưa đặt ra lễ Quán tẩy cốt là để cho thật tinh khiết để mà rót rượu dâng rượu. Phẩm phục, giờ tế và các bước hành lễ cũng được thực hiện rất nghiêm trang, quy cũ thể hiện rõ tính chất cung đình. Vũ khúc “Bình Ngô phá trận”và “chư hầu lai triều”, đây là loại nhã nhạc cung đình chỉ biểu diễn trong đại lễ. Tương truyền, vua Thái Tông nhớ lại công trước của vua cha Thái Tổ dùng vũ công mà đánh giặc Minh, bình được thiên hạ nên đã sai Nguyễn Trãi chế ra hai khúc nhạc múa Bình ngô phá trận do quan võ múa và Chư hầu lai triều do quan văn múa trong hành lễ tại Lam Kinh.

Vào dịp lễ hội đền Lê, xưa kia, sau khi tế lễ xong, làng Vệ Yên tổ chức vui chơi, hội hè. Trước hết, làng mời một số làng lân cận như: Mật Sơn, Vĩnh Yên, Đa Sĩ, Quảng Xá tới dự hội. Các làng này nhận lời mời, cử những trai tráng khỏe mạnh, ăn mặc tề chỉnh, chít khăn thắt lưng… để rước kiệu Thành hoàng làng mình đến Bố Vệ dự hội chơi trò Tung Cù, diễn trò Kéo Chữ.

 “Trò kéo chữ: Đó là trò chạy để xếp thành các chữ Hán: “Thưởng xuân đồng lạc” hay “Thiên hạ thái bình”. Các con trò có đến hàng trăm người (con trai) ăn mặc đồng phục theo màu sắc quy định cho từng chữ, chạy theo từng nét chữ đã được vạch sẵn để xếp thành chữ cho nên còn gọi là trò chạy chữ. Khi diễn trò này các con trò phải bắt thăm để chia thành 2 phe: quân ta và quân Ngô, diễn lại cảnh quân ta đánh cho quân Ngô thua trận, bỏ chạy, mô phỏng lại chiến thắng Lam Sơn oai hùng.

Sau đó là đến hội tung cù (đây là một trò diễn thể hiện công lao chống giặc ngoại xâm của nhà Lê, trong đó cù được xem là đầu giặc Ngô). Cù là một quả cầu bện bằng rơm có giẻ bọc ngoài và phết sơn. Có khi dùng một quả dừa không có nước. Giữa sân, trồng một cây tre cao, có thanh ngang treo một cái giỏ quấn lụa đẹp. Một người ngồi sẵn dưới gốc tre, cầm dây nối với thanh ngang trên, giật đi giật lại cho chiếc giỏ luôn ỏ thế rung rinh. Chiêng trống và nhạc ngựa vang lên. Người đầu thì tung quả cầu lên cao và tất cả đám đông xông vào hứng cướp cù. Cù rơi vào tay ai, người đó phải tìm cách tung tọt vào giỏ đeo trên đầu ngọn tre. Cướp cù là một dịp cho các lực sĩ thi tài nhanh nhẹn, dẻo dai, hùng dũng. Cuộc chơi kéo dài cho đến khi quả cầu lọt vào cái giỏ đang lắc lư trên ngọn tre thì hội tung cù chấm dứt. Có người cho rằng tung cù ở lễ hội đền Lê là cách tượng trưng cho sự chiến thắng của quân và dân Lam Sơn, tung đầu tướng giặc Ngô, trong đó cù được xem là đầu giặc Ngô.

Chính vì các trò diễn tại lễ hội đều để gợi lại cuộc khỡi nghĩa Lam Sơn xưa nên lễ hội tại Đền Lê còn được gọi là “Hội trận Đền Vua Lê”. Hội trận này không chỉ nhằm kỷ niệm những chiến tích oanh liệt của người xưa, mà còn khơi động tinh thần thượng võ, rèn luyện chí khí thanh niên, hâm nóng nhiệt tình yêu nước của mọi người.

  1. Lễ hội Đền Lê ngày nay

          Hiện nay, bên cạnh lễ hội Lam Kinh, lễ hội tại Thái miếu nhà Hậu Lê cũng được tổ chức vào từ ngày 20 đến ngày 22 âm lịch hàng năm, lễ hội do UBND thành phố Thanh Hóa chủ trì. Mặc dù, giá trị của lễ hội tại Thái miếu nhà Hậu Lê là rất lớn nhưng hiện nay thực trạng tổ chức hoạt động tế lễ và lễ hội tại đây đang có nhiều vấn đề bất cập:

          Mặc dù là một trong những lễ hội trọng điểm của thành phố Thanh Hóa, nhưng quy mô của lễ hội chưa tương xứng với giá trị lịch sử vốn có. Không gian tổ chức còn nhỏ, hẹp khó thực hiện được các nghi thức lớn và các trò chơi, trò diễn. UBND tỉnh Thanh Hóa đã có dự án mở rộng diện tích, không gian của di tích Thái miếu nhà Hậu Lê, dự án được giao cho nhà thầu theo hình thức BT, với tổng mức đầu tư của dự án là 293 tỷ đồng, nhưng đến hiện nay công trình vẫn chưa được khởi công.

Trước đây (từ năm 2012 trở về trước) nghi thức tế lễ tại Thái miếu nhà Hậu Lê do các đội tế nữ quan thực hiện. Việc tế nữ quan trong lễ hội mang tính chất cung đình như lễ hội đền Lê là không chính xác, bởi tế nữ quan là một đặc trưng của tín ngưỡng thờ mẫu. Kể từ năm 2013, UBND thành phố chỉ đạo tế nam quan. Các đội tế được mời từ Phú Khê (Hoằng Hóa) hoặc Thiệu Dương (Tp. Thanh Hóa) nhưng đều thực hiện nghi thức tế truyền thống dân gian chứ chưa theo nghi thức tế cung đình.

Phần hội nghèo nàn, tẻ nhạt. Ngoài việc thất truyền vũ nhạc cung đình Bình Ngô phá trận, Chư hầu lai triều thì các trò diễn dân gian truyền thống như: kéo chữ, tung cù...cũng vắng bóng trong các dịp lễ hội. Đây là một trong những nguyên nhân khiến  lễ hội không hấp dẫn, thu hút được công chúng, số lượng du khách đến với lễ hội còn hạn chế.

Nhiều năm qua, người dân quanh khu vực Đền Lê ít quan tâm đến các hoạt động lễ hội. Họ không còn thể hiện vai trò chủ thể mà có tham dự cũng như khán giả đến xem. Trong khi chủ trương của nhà nước trong công tác quản lý lễ hội hiện nay, các cấp chính quyền ngày càng nâng cao vai trò của người dân tại cộng động địa phương trong việc tổ chức và quản lý các hoạt động tại lễ hội. Người dân được khuyến khích tích cực, chủ động trong tham gia, tiếp nhận, làm chủ các công đoạn, quy trình, hướng tới đảm nhận hoàn toàn vai trò chủ thể duy trì tổ chức, điều hành lễ hội với một tâm thế hào hứng, phấn khởi, tự tin.

Chính những điều này đã khiến cho nghi thức tế lễ và lễ hội tại Thái miếu nhà Hậu Lê trở nên mờ nhạt và đơn điệu, không tương xứng với quy mô và giá trị truyền thống của một trong những di tích trọng điểm của tỉnh liên quan đến triều đại nhà Hậu Lê. Do vậy, cần có những giải pháp để phục dựng lại nghi thức tế lễ theo hướng cung đình hóa và phục dựng hoạt động lễ hội dân gian gắn liền với người dân tại Thái miếu nhà Hậu Lê.

  1. Vấn đề phục dựng lễ hội Đền Lê

Trong thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển lớn mạnh về mọi mặt của đất nước, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo và các hoạt động lễ hội cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Do đó, các di tích lịch sử, các công trình văn hóa tâm linh được phục dựng, trùng tu, xây mới ở nhiều nơi cùng với đó là sự phục hồi của các lễ hội truyền thống. Đây không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà là vấn đề có tính chất quy luật trong sự vận động và phát triển của đời sống xã hội, hàm chứa trong đó nhiều ý nghĩa sâu sắc về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội nhân văn.

Đối với lĩnh vực di sản văn hóa, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản buộc phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm cẩn mà tiêu biểu là yếu tố nguyên gốc. Thực trạng tình hình thực hiện luật Di sản cho thấy, phần lớn các di sản đều ít nhiều bị xâm hại. Nhiều thì xóa đi di tích gốc để xây mới toàn bộ, phổ biến là bảo tồn không đảm bảo yếu tố nguyên gốc, ít thì vi phạm những chi tiết về hoa văn trong di sản vật thể hay câu chữ, trang phục, điệu bộ đối với di sản phi vật thể. Dưới góc độ quản lý, phần lớn đơn vị trực tiếp quản lý di sản trông chờ, ỷ lại vào cơ quan quản lý chuyên môn cấp trên và các đơn vị nghiên cứu chứ ít có đơn vị tự giác tìm tòi, chủ động đề xuất hay tham gia phối hợp với các cơ quan liên quan để có phương án và biện pháp phù hợp. Ngược lại, một số đơn vị tự động, đơn phương tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, bảo tồn di sản không theo quy định và hành vi đó mặc dù cố tình hay vô ý đã vi phạm pháp luật. Ở khía cạnh khác, tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” cũng khá phổ biến. Do vậy, việc nghiên cứu về di sản văn hóa nói chung và nghiên cứu cơ bản đối với các di tích nói riêng là vô cùng cần thiết và cấp bách để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Di tích quốc gia Thái miếu nhà Hậu Lê là một di tích lịch sử văn hóa trọng điểm của thành phố Thanh Hóa, gắn liền với hệ thống các di tích liên quan đến nhà Hậu Lê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Việc bảo tồn, tôn tạo di tích đã được cấp ủy, chính quyền tỉnh và thành phố Thanh Hóa quan tâm cách đây hàng chục năm. Một vài hạng mục đã hoàn thành nhưng về tổng thể vẫn còn nhiều việc còn dang dở cần tiếp tục thực hiện. Đến nay cùng với quy hoạch mở rộng, Dự án đã được thẩm định và phê duyệt những bước căn bản của thủ tục đầu tư. Trong tương lai gần, Thái miếu sẽ có cơ ngơi trang nghiêm, bề thế, trở về vị trí xứng đáng như khi được nhà Nguyễn tôn vinh. Vai trò, vị trí Thái miếu không chỉ thể hiện về mặt kiến trúc, hiện vật, linh vị mà còn ở tính chất cung đình trong hình thái nghi thức tế lễ và lễ hội nơi đây – sự kết hợp giữa di sản vật thể và phi vật thể là sự thống nhất biện chứng của di tích sống động. Tuy vậy, về nghi thức tế lễ và lễ hội tại Thái miếu nhà Hậu Lê vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ, cần phải được nghiên cứu bài bản, khoa học để có phương án khôi phục cụ thể và có những giải pháp thiết thực để lễ hội tại đền Lê được sống lại, trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân thành phố và tỉnh Thanh Hóa.

Việc nghiên cứu phục dựng nghi thức tế lễ và lễ hội Thái miếu nhà Hậu Lê là hoạt động tích cực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, bảo tồn các giá trị di sản quý báu của dân tộc. Đây vừa là nhiệm vụ khoa học có tính thực tiễn cao, vừa là hành động thiết thực tri ân đối với anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vị minh quân, các vị tiền hiền triều Hậu Lê sáng danh trong quốc sử.

Quá trình khôi phục các lễ hội này thể hiện ở cả sự phục hồi không gian tổ chức lễ hội (trọng tâm là cơ sở tín ngưỡng) và các nghi lễ. Sự phục hồi đó nhằm tạo ra quy mô lớn hơn cho lễ hội và bảo vệ những nét văn hóa truyền thống vốn đã bị mai một qua nhiều thăng trầm của lịch sử.

Gắn liền với quá trình phục hồi lễ hội còn là các câu chuyện làm mới lễ hội, thay đổi những nhìn nhận về tính thiêng của lễ hội hay sự gia tăng tính phức tạp trong thực hành lễ hội hiện nay. Ai, tổ chức, nhóm cộng đồng nào đi đầu trong việc phục hồi lễ hội; phục hồi vì mục đích gì; phục hồi ra sao; tại sao lại phục hồi lễ hội như vậy... là những vấn đề cần thiết cần được nghiên cứu và đưa ra giải pháp thực hiện phù hợp.

Vấn đề phục dựng lễ hội cũng là một vấn đề được các cơ quan quản lý văn hóa tại Thanh Hóa hết sức quan tâm. Năm 2016 Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 2247/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phục vụ phát triển du lịch”. Việc nghiên cứu phục dựng lễ hội tại Thái miếu nhà Hậu Lê là cần thiết làm phong phú hơn nữa đời sống lễ hội của người dân thành phố Thanh Hóa và phù hợp với chủ trương và yêu cầu của các cơ quan quản lý của tỉnh.

Việc phục dựng lễ hội tại Thái miếu nhà Hậu Lê cũng cung cấp các nghiên cứu một cách chi tiết về nghi thức tế lễ đặc sắc và một số trò diễn độc đáo của người dân Thanh Hóa hiện nay như chạy chữ “Thiên Hạ Thái Bình” hay “Đồng Xuân Hưởng Lạc”. Đặc biệt, việc sưu tầm tài liệu, từng bước phục dựng vũ nhạc: “Bình Ngô phá trận” sẽ đem lại những giá trị to lớn về mặt khoa học và thực tiễn.

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  2. Vũ Ngọc Khánh (2000), Đền miếu Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
  3. Đinh Gia Khánh - Lê Hữu Tầng (chủ biên) (1993), Lễ hội dân gian truyền thống trong thời hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Lê Huy Trâm, Hoàng Anh Nhân (2000), Lễ tục lễ hội truyền thống xứ Thanh, NXB Văn hóa giáo dục, Hà Nội.
  5. Hoàng Anh Nhân (2006), Lễ tục lễ hội truyền thống xứ Thanh, tập 1, NXB Văn hóa giáo dục, Hà Nội.

       6, Quốc sử quán triều Nguyễn (2002),  Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội.

         7, PGS Lê Trung Vũ , PGS.TS Lê Hồng Lý (2005), Lễ hội Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

  1. Nhiều tác giả (2000), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, NXb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

 

[1] Điện Kính Thiên ở Đông Kinh là nơi tế lễ của thời Trung Hưng

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB Giáo dục

[3] Lê Huy Trâm, Hoàng Anh Nhân, Lễ tục, lễ hội truyền thống xứ Thanh, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001

 

Tác giả: ThS. Lê Thị Hòa