HÀM RỒNG - VÙNG ĐẤT TÍCH TỤ NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA ĐẶC BIỆT
Đăng lúc: 22/03/2021 (GMT+7)
Cảnh sơn thủy hữu tình khắp Việt Nam không ít nhưng hiếm một nơi nào, ngay giữa đồng bằng châu thổ, cận kề đô thị vẫn có núi rộng, sông dài, và thế núi hình sông tạo thành một vẻ thiêng liêng, kỳ thú đặc biệt như Hàm Rồng.
Mạch núi Rồng (hay còn gọi là núi Đông Sơn) bắt nguồn từ Dương Xá, men theo sông Mã uốn lượn nhấp nhô thành hình rồng (theo truyền thuyết mạch núi gồm 99 ngọn, thực ra đây là con số thiêng mang tính ước lệ), đến đoạn cầu Hàm Rồng ngày nay thì đột khởi thành hình đầu Rồng có đủ cả mắt Rồng (Long Quang), hàm Rồng (Long Hạm), mũi Rồng (Long Tỷ)... Bên kia sông là ngọn núi Nít (núi Ngọc) đứng riêng lẻ tạo thành hình rồng vờn hạt ngọc. Ở nước ta không ít địa danh gắn với hình Rồng, nhưng thế núi tạo thành hình một con Rồng toàn vẹn đang vờn ngọc ở ngay vùng đồng bằng như Hàm Rồng - Thanh Hóa là độc nhất vô nhị. Tương truyền, Cao Biền (821 - 887) là Tiết độ sứ đất Giao Châu rất giỏi về phong thủy, thấy đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương nên thường cưỡi diều bay đi tìm cách trấn yểm để phá vượng khí của người Nam. Nhận thấy Hàm Rồng là huyệt đạo hiếm có nên đã đem tro cốt của cha táng vào, nhưng sau nhiều lần táng, xương cốt cứ bị huyệt núi đùn ra không kết phát. Chuyện thực hư chưa rõ, nhưng như vậy đủ thấy trong tâm thức dân gian đây là vùng đất thiêng liêng, là long mạch cực mạnh, cực quý.
Có chuyện kể rằng núi Hàm Rồng vốn là chỗ ở của các vị thần trên thượng giới. Nhưng quả núi này chân không gắn chặt với đáy biển, cứ bồng bềnh trên mặt nước. Thượng đế phải sai mấy con ngao đến đội núi lên để giữ cho vững. Tuy nhiên, xung quanh vẫn còn là biển lớn, nên Thượng đế lại sai những con kình quẫy khúc làm cho nổi đất lên, còn một ít chỗ không lấp hết trở thành ao. Nguyễn Trãi đã mượn sự tích này trong bài thơ "Long Đại nham":
Ngao nổi đội non, non có động
Kình bơi lấp biển, biển thành ao
Một truyền thuyết khác giải thích về việc hình thành núi non Hàm Rồng: vợ chồng nhà Vồm chiến đấu với tướng nhà Trời để đòi Ngọc Hoàng làm mưa. Kết quả các tướng đều bị đánh bại, không dám quay về trời nữa mà đành nằm lại quanh núi Hàm Rồng. Tướng Đại Bàng hóa thành núi Bằng Trình, 5 tướng Phượng Hoàng hóa thành núi Ngũ Phụng (núi Rừng Thông), Rồng Lửa bị chặt thành khúc hóa thành dãy núi Rồng, viên ngọc lửa hóa thành núi Ngọc (núi Nít)... Không làm gì được Vồm, Trời đánh chịu nhún, sai thần Long Mã đi làm sông. Thần Long Mã vốn chơi thân với Rồng Lửa nên quấn quýt lấy núi Rồng, chân đặt tới đâu nước tràn tới đó hóa thành sông Mã.
Hàm Rồng đã khiến bao du khách say mê. Từ bậc phong lưu tài tử như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi... đến những vị vua thi sĩ như Trần Nghệ Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông... đều có thơ đề trên vách núi ca ngợi cảnh đẹp Hàm Rồng. Sau này, những danh sĩ Bắc Hà như: Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Ích, Ninh Tốn cho đến những nhà thơ cận hiện đại như Sầm Phố, Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Trinh Đường… vẫn tiếp nối nguồn cảm xúc được tạo nên từ cảnh núi sông kỳ thú mà cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị.
Là nguồn khởi phát, nuôi dưỡng sự sống, sông Mã được coi là con sông thiêng của nước Nam. Đời vua Minh Mệnh thứ 17 (1836) sông Mã được khắc hình tượng vào Anh Đỉnh. Đến đời Tự Đức thứ 3 (1850) sông Mã được chép vào điển lễ để thờ cúng.
Theo chú giải trong sách“Tân đính Lĩnh Nam chích quái”, Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp gỡ kết duyên ở vùng đất sau này đặt tên là Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay) rồi đưa nhau về sống ở Long Đại Nham (tức núi Hàm Rồng). Sách “Lĩnh Nam chích quái liệt truyện” thì viết là Long Quân rước Âu Cơ về ở núi Long Trang, có lẽ đây là tên gọi khác của núi Hàm Rồng. Tư liệu còn nhiều chi tiết chưa thống nhất, nhưng trong tâm thức dân gian nơi ở của Cha Rồng, Mẹ Tiên phải là những nơi linh thiêng, và Hàm Rồng là một trong những nơi ấy.
Không chỉ ở trong truyền thuyết, các bằng chứng khảo cổ học đã chứng minh cách đây 4.000 - 5.000 năm, khi đồng bằng sông Mã đang được kiến tạo, người Việt cổ đã đến khu vực này để sinh sống. Làng Đông Sơn dưới chân núi Hàm Rồng là một trong những làng cổ nhất Việt Nam. Nơi đây là địa điểm phát hiện đầu tiên những di vật của nền văn hóa Đông Sơn. Năm 1924, ông Nguyễn Văn Lắm đã tìm thấy một số đồ đồng ven bờ sông Mã mà sự đặc biệt của chúng đã khuyến khích giới khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu một cách hoàn chỉnh hơn về thời đại đồ đồng ở Việt Nam. Chính vì vậy, năm 1934, nhà khảo cổ học người Áo R.Heine Geldern đã đề xuất lấy tên làng Đông Sơn để đặt cho một nền văn minh rực rỡ trong buổi đầu của lịch sử Việt Nam.
Suốt chiều dài lịch sử, Hàm Rồng luôn được coi là vùng trung tâm của xứ Thanh. L.Breton - một học giả người Pháp đã nhận xét: “Nếu Thanh Hoá là nơi căn bản của nước Nam, thì Hàm Rồng là vùng đất nằm ở vị trí trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa”. Thông qua một loạt mộ Hán được phát hiện có thể khẳng định vùng Hàm Rồng là một địa bàn quan trọng của vùng đất Cửu Chân thời Bắc thuộc. Vùng đất Dương Xá đã hai lần là thành đô: Thành Tư Phố trước và sau công nguyên và Trấn thành thời Lê - Trịnh - Tây Sơn. Đây cũng là vùng đất Dương Đình Nghệ tập hợp hơn 3.000 "con nuôi" tại lò võ ở làng Giàng (Ràng), Tư Phố, rồi từ đó khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán, giành quyền tự chủ cho đất nước. Hạc Thành là lỵ sở tỉnh Thanh Hoa thời Nguyễn, và ngày nay thành phố Thanh Hóa nằm trọn trong không gian Hàm Rồng.
Sự linh thiêng của Hàm Rồng còn được bồi đắp bởi những sự kiện bi hùng trong lịch sử. Vào tháng 11 năm 43, Mã Viện cùng 2.000 chiếc thuyền theo đường thuỷ tiến đánh nghĩa quân của Hai Bà Trưng ở Cửu Chân. Theo sách Thủy Kinh Chú của Trung Quốc, quân Mã Viện chỉ đoạt được thành Tư Phố khi “tướng giặc không hàng, tất cả đều bị chém, có đến mấy trăm người”. Thế kỷ XVI, cuộc xung đột Trịnh - Mạc diễn ra gay gắt, Thanh Hóa trở thành chiến trường ác liệt nhất. 26 lần giao tranh, không lần nào vùng Hàm Rồng - sông Mã thoát khỏi vòng binh đao. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, trận đánh Quan Yên mùa thu năm 1555, quân Mạc bị mai phục “giặc chết lấp kín sông, nước sông đều sắc đỏ. Lấy được khí giới không kể xiết. Quân giặc hơn vài vạn chết gần hết”. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của đế quốc Mỹ, ở Hàm Rồng không ngày nào không có tiếng gầm rú của máy bay và bom đạn, không một nơi nào có thể gọi là thật sự an toàn.
Như vậy, giá trị đặc biệt của Hàm Rồng là một phức hợp đa chiều được tạo bởi hàng triệu năm kiến tạo địa chất, hàng ngàn lăm lịch sử và sự tích tụ văn hóa - tâm linh. Vấn đề đặt ra là Hàm Rồng nằm ở ngay trung tâm đô thị, lại đang đứng trước yêu cầu khai thác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Làm thế nào để quá trình đô thị hóa và yêu cầu phát triển không mâu thuẫn với bảo tồn, gìn giữ các giá trị. Đây chính là mục tiêu, đồng thời là thách thức đối với các nhà quản lý trong công tác quy hoạch phát triển.
Tác giả: Lê Thị Thảo
Mạch núi Rồng (hay còn gọi là núi Đông Sơn) bắt nguồn từ Dương Xá, men theo sông Mã uốn lượn nhấp nhô thành hình rồng (theo truyền thuyết mạch núi gồm 99 ngọn, thực ra đây là con số thiêng mang tính ước lệ), đến đoạn cầu Hàm Rồng ngày nay thì đột khởi thành hình đầu Rồng có đủ cả mắt Rồng (Long Quang), hàm Rồng (Long Hạm), mũi Rồng (Long Tỷ)... Bên kia sông là ngọn núi Nít (núi Ngọc) đứng riêng lẻ tạo thành hình rồng vờn hạt ngọc. Ở nước ta không ít địa danh gắn với hình Rồng, nhưng thế núi tạo thành hình một con Rồng toàn vẹn đang vờn ngọc ở ngay vùng đồng bằng như Hàm Rồng - Thanh Hóa là độc nhất vô nhị. Tương truyền, Cao Biền (821 - 887) là Tiết độ sứ đất Giao Châu rất giỏi về phong thủy, thấy đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương nên thường cưỡi diều bay đi tìm cách trấn yểm để phá vượng khí của người Nam. Nhận thấy Hàm Rồng là huyệt đạo hiếm có nên đã đem tro cốt của cha táng vào, nhưng sau nhiều lần táng, xương cốt cứ bị huyệt núi đùn ra không kết phát. Chuyện thực hư chưa rõ, nhưng như vậy đủ thấy trong tâm thức dân gian đây là vùng đất thiêng liêng, là long mạch cực mạnh, cực quý.
Có chuyện kể rằng núi Hàm Rồng vốn là chỗ ở của các vị thần trên thượng giới. Nhưng quả núi này chân không gắn chặt với đáy biển, cứ bồng bềnh trên mặt nước. Thượng đế phải sai mấy con ngao đến đội núi lên để giữ cho vững. Tuy nhiên, xung quanh vẫn còn là biển lớn, nên Thượng đế lại sai những con kình quẫy khúc làm cho nổi đất lên, còn một ít chỗ không lấp hết trở thành ao. Nguyễn Trãi đã mượn sự tích này trong bài thơ "Long Đại nham":
Ngao nổi đội non, non có động
Kình bơi lấp biển, biển thành ao
Một truyền thuyết khác giải thích về việc hình thành núi non Hàm Rồng: vợ chồng nhà Vồm chiến đấu với tướng nhà Trời để đòi Ngọc Hoàng làm mưa. Kết quả các tướng đều bị đánh bại, không dám quay về trời nữa mà đành nằm lại quanh núi Hàm Rồng. Tướng Đại Bàng hóa thành núi Bằng Trình, 5 tướng Phượng Hoàng hóa thành núi Ngũ Phụng (núi Rừng Thông), Rồng Lửa bị chặt thành khúc hóa thành dãy núi Rồng, viên ngọc lửa hóa thành núi Ngọc (núi Nít)... Không làm gì được Vồm, Trời đánh chịu nhún, sai thần Long Mã đi làm sông. Thần Long Mã vốn chơi thân với Rồng Lửa nên quấn quýt lấy núi Rồng, chân đặt tới đâu nước tràn tới đó hóa thành sông Mã.
Hàm Rồng đã khiến bao du khách say mê. Từ bậc phong lưu tài tử như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi... đến những vị vua thi sĩ như Trần Nghệ Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông... đều có thơ đề trên vách núi ca ngợi cảnh đẹp Hàm Rồng. Sau này, những danh sĩ Bắc Hà như: Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Ích, Ninh Tốn cho đến những nhà thơ cận hiện đại như Sầm Phố, Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Trinh Đường… vẫn tiếp nối nguồn cảm xúc được tạo nên từ cảnh núi sông kỳ thú mà cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị.
Là nguồn khởi phát, nuôi dưỡng sự sống, sông Mã được coi là con sông thiêng của nước Nam. Đời vua Minh Mệnh thứ 17 (1836) sông Mã được khắc hình tượng vào Anh Đỉnh. Đến đời Tự Đức thứ 3 (1850) sông Mã được chép vào điển lễ để thờ cúng.
Theo chú giải trong sách“Tân đính Lĩnh Nam chích quái”, Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp gỡ kết duyên ở vùng đất sau này đặt tên là Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay) rồi đưa nhau về sống ở Long Đại Nham (tức núi Hàm Rồng). Sách “Lĩnh Nam chích quái liệt truyện” thì viết là Long Quân rước Âu Cơ về ở núi Long Trang, có lẽ đây là tên gọi khác của núi Hàm Rồng. Tư liệu còn nhiều chi tiết chưa thống nhất, nhưng trong tâm thức dân gian nơi ở của Cha Rồng, Mẹ Tiên phải là những nơi linh thiêng, và Hàm Rồng là một trong những nơi ấy.
Không chỉ ở trong truyền thuyết, các bằng chứng khảo cổ học đã chứng minh cách đây 4.000 - 5.000 năm, khi đồng bằng sông Mã đang được kiến tạo, người Việt cổ đã đến khu vực này để sinh sống. Làng Đông Sơn dưới chân núi Hàm Rồng là một trong những làng cổ nhất Việt Nam. Nơi đây là địa điểm phát hiện đầu tiên những di vật của nền văn hóa Đông Sơn. Năm 1924, ông Nguyễn Văn Lắm đã tìm thấy một số đồ đồng ven bờ sông Mã mà sự đặc biệt của chúng đã khuyến khích giới khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu một cách hoàn chỉnh hơn về thời đại đồ đồng ở Việt Nam. Chính vì vậy, năm 1934, nhà khảo cổ học người Áo R.Heine Geldern đã đề xuất lấy tên làng Đông Sơn để đặt cho một nền văn minh rực rỡ trong buổi đầu của lịch sử Việt Nam.
Suốt chiều dài lịch sử, Hàm Rồng luôn được coi là vùng trung tâm của xứ Thanh. L.Breton - một học giả người Pháp đã nhận xét: “Nếu Thanh Hoá là nơi căn bản của nước Nam, thì Hàm Rồng là vùng đất nằm ở vị trí trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa”. Thông qua một loạt mộ Hán được phát hiện có thể khẳng định vùng Hàm Rồng là một địa bàn quan trọng của vùng đất Cửu Chân thời Bắc thuộc. Vùng đất Dương Xá đã hai lần là thành đô: Thành Tư Phố trước và sau công nguyên và Trấn thành thời Lê - Trịnh - Tây Sơn. Đây cũng là vùng đất Dương Đình Nghệ tập hợp hơn 3.000 "con nuôi" tại lò võ ở làng Giàng (Ràng), Tư Phố, rồi từ đó khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán, giành quyền tự chủ cho đất nước. Hạc Thành là lỵ sở tỉnh Thanh Hoa thời Nguyễn, và ngày nay thành phố Thanh Hóa nằm trọn trong không gian Hàm Rồng.
Sự linh thiêng của Hàm Rồng còn được bồi đắp bởi những sự kiện bi hùng trong lịch sử. Vào tháng 11 năm 43, Mã Viện cùng 2.000 chiếc thuyền theo đường thuỷ tiến đánh nghĩa quân của Hai Bà Trưng ở Cửu Chân. Theo sách Thủy Kinh Chú của Trung Quốc, quân Mã Viện chỉ đoạt được thành Tư Phố khi “tướng giặc không hàng, tất cả đều bị chém, có đến mấy trăm người”. Thế kỷ XVI, cuộc xung đột Trịnh - Mạc diễn ra gay gắt, Thanh Hóa trở thành chiến trường ác liệt nhất. 26 lần giao tranh, không lần nào vùng Hàm Rồng - sông Mã thoát khỏi vòng binh đao. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, trận đánh Quan Yên mùa thu năm 1555, quân Mạc bị mai phục “giặc chết lấp kín sông, nước sông đều sắc đỏ. Lấy được khí giới không kể xiết. Quân giặc hơn vài vạn chết gần hết”. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của đế quốc Mỹ, ở Hàm Rồng không ngày nào không có tiếng gầm rú của máy bay và bom đạn, không một nơi nào có thể gọi là thật sự an toàn.
Như vậy, giá trị đặc biệt của Hàm Rồng là một phức hợp đa chiều được tạo bởi hàng triệu năm kiến tạo địa chất, hàng ngàn lăm lịch sử và sự tích tụ văn hóa - tâm linh. Vấn đề đặt ra là Hàm Rồng nằm ở ngay trung tâm đô thị, lại đang đứng trước yêu cầu khai thác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Làm thế nào để quá trình đô thị hóa và yêu cầu phát triển không mâu thuẫn với bảo tồn, gìn giữ các giá trị. Đây chính là mục tiêu, đồng thời là thách thức đối với các nhà quản lý trong công tác quy hoạch phát triển.
Tác giả: Lê Thị Thảo
Các tin khác
- KẾ HOẠCH HỘI THẢO KHOA HỌC KHOA VĂN HÓA- THÔNG TIN
- KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN THAM DỰ NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CƠ SỞ NĂM 2023
- TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN – ĐIỂM NHẤN CỦA VĂN HÓA HÀM RỒNG
- TÍNH BIỂU TƯỢNG TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC – NGHỆ THUẬT
- BẢNG MÔN ĐÌNH – NƠI TÔN VINH NHO GIÁO VÀ ĐẠO HỌC
- YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ TRÌNH BIẾN ĐỔI LỄ HỘI THÁI MIẾU NHÀ HẬU LÊ, PHƯỜNG ĐỒNG VỆ,THÀNH PHỐ THANH HÓA
- TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA, ĐÔ THỊ HÓA ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA Ở THÀNH PHỐ THANH HÓA HIỆN NAY.
- QUYẾT ĐỊNH NGHIỆM THU ĐỀ TÀI SINH VIÊN NĂM HỌC 2022-2023
- PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
- HÀM RỒNG - VÙNG ĐẤT TÍCH TỤ NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA ĐẶC BIỆT