CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

"ÂM THANH" TÂM LINH TRONG KIẾN TRÚC CỔ TRUYỀN XỨ THANH

Đăng lúc: 03/11/2022 (GMT+7)
100%

 

Bên cạnh các hình tượng các con vật linh và cỏ cây hoa lá, chữ viết ở các các công trình kiến trúc cổ truyền cũng góp phần vào nghệ thuật chạm khắc. Trong thời kỳ quân chủ, chữ Hán được coi là chữ của thánh hiền. Ngoài dạy chữ, người xưa đã đưa chữ vào trong di tích, trên các hoành phi, câu đối, mảng chạm... để ca ngợi hay cầu mong những điều tốt đẹp. Năm 1734, đời chúa Trịnh Giang và vua Lê Thuần Tông, có lệnh cấm dân không được dùng đồ đẹp, chạm khắc hình chữ, trang trí hoa mỹ, tuy nhiên việc khắc chữ trên các công trình kiến trúc truyền thống vẫn được thực hiện, đặc biệt ở đình, đền. Các chữ thường được chế tác một cách cầu kỳ, trở thành một bức thư họa, khiến di tích càng trở nên linh thiêng, sống động.

Chữ trên các hoành phi, câu đối, đại tự thường thể hiện sự tôn kính với thần linh, triều đình (đứng đầu là nhà vua), ca ngợi công đức Thành hoàng làng, truyền thống tốt đẹp của địa phương…, thường gặp là các chữ “Thánh Hoàng chúc”, “Thánh cung vạn tuế”, “Hách diệu linh thanh”…, ngoài ra nội dung chữ còn gắn với những sự tích, công trạng của thần linh hay những giá trị tốt đẹp của địa phương. Ở đình Phú Khê (xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa), thờ 2 vị Thành hoàng làng là Chu Minh và Chu Tuấn, đã hiển linh giúp vua Lý đánh thắng giặc Ai Lao xâm lược, trong gian giữa tòa tiền tế treo bức đại tự ca ngợi công lao của 2 vị này: “Nhị khí lương năng” (tài năng tốt lành khí phách). Đình Hào Lương (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân), có câu đối ca ngợi công lao của các vị Thành hoàng làng là bảy vị Thất tính tiên công và ba vị khai quốc công thần triều Lê Sơ: Lê Sao, Lê Bị, Lê Nhị:

Tự tích hào lưu thắng địa

Nhi Kim lương bống bí tiền công

Dịch nghĩa:

Từ xưa nét hào hoa còn lưu mãi nơi đất đẹp

Mà nay bậc lương đống toả mãi công lao

Nhiều câu đối trong đình làng thể hiện niềm tự hào về quê hương, như ở đình làng Bồng Trung (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc) có các câu đối:

1- Tụ thành ấp, hữu nho gia, hữu nông gia, hữu thương gia, Lam Điền ước tứ

Thăng ư hương, vi tú sĩ, vi tiến sĩ, vi tạo sĩ, Chu lễ tân tam

Dịch nghĩa:

Tụ thành ấp, có nhà nho, nhà nông, nhà buôn, giàu có gấp bốn lần vùng Lam Điền

Tiến lên lập làng, làm nên tú sĩ, tiến sĩ, tạo sĩ, có văn hiến lễ nghĩa gấp ba lần nhà Chu

2- Sinh khí thủy ư Đông thập nhật hạng phồn du đô thị

Thái bình nghi cư Biện tứ bách niên văn hiến vu tư

Dịch nghĩa:

Sinh khí tốt lành xuất phát từ phương Đông, mười một xóm của quê hương vui như thành thị

Thái bình nên tụ cư về đất Biện có bốn trăm năm văn hiến

3- Bách niên tượng mã am quy bộ

Tứ cố giang sơn nhập họa đồ

Dịch nghĩa:

Trăm năm voi ngựa qua lại đường làng

Bốn mặt núi sông như chầu về làng

Câu đối trên ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương và cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của làng Bồng Trung. Làng Đông Biện - Bồng Trung có nhiều người làm quan, lại gần làng Bồng Thượng còn gọi là làng Báo, quê của các chúa Trịnh, nên có nhiều xe ngựa qua lại. Đương thời thường truyền tụng: “Ngựa xe về Bồng Báo” (Bồng là Bồng Trung, Báo là làng Báo). Quanh làng có nhiều núi, trong đó có núi Tiến Sĩ ở phía Đông Nam, trước làng có sông Mã.

Chạm khắc chữ trong đình Phú Khê, xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa

 Bên cạnh đó, trong các mảng chạm khắc nhiều khi lồng ghép các chữ gắn với những giá trị tốt đẹp mà con người thường hướng tới như Phúc, Lộc, ThọKhang, Ninh… Trong nghệ thuật chạm khắc gỗ Thanh Hóa, hình chữ sớm nhất được tìm thấy ở hai bức chạm tại cửa sổ nhỏ thông gió hai bên ngách nghè Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, TP. Thanh Hóa), có phong cách cuối thế kỷ XVI. Mỗi bức đều chạm hai hình rồng đăng đối, rồng cuộn khúc tạo thành hình khiến người ta liên tưởng đến chữ “Phúc" được viết theo lối chữ triện. Điều thú vị là, thông thường ở các công trình khác được khắc thành hình chữ, còn ở đây nghệ nhân đã sử dụng hình rồng để phác họa nên dạng chữ cách điệu trong một hình vuông, cạnh khoảng 40 cm tạo thành một bố cục hoàn chỉnh.

Hình rồng tạo thành chữ "Phúc", nghè Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP. Thanh Hóa

Trong đình Bảng Môn, ở vì kèo gian giữa tòa hậu cung (mang phong cách thế kỷ XVII) có khắc chữ “Lộc” ở vị trí cao nhất gần thượng lương; hàng thứ hai là chữ “Thọ, Khang, Ninh”; hàng thứ ba có dòng chữ với nội dung phản ánh ước vọng của nhân dân: “Toàn xã dân thôn tăng phú quý, đắc tài, đắc lộc, đắc trường sinh; tôn tôn, tử tử vinh hoa thịnh, vạn đại giai nhiên hưởng thái bình”. Các chữ được sắp xếp theo tầng bậc hình tháp từ trên xuống kết hợp cùng với đồ án rồng, mặt trời, hình tượng người và linh thú khác, biểu hiện rõ hơn mong ước về những điều tốt đẹp cho cộng đồng: may mắn, an lành, hạnh phúc, bình yên, mùa màng tươi tốt, mưa thuận, gió hòa. Cách sắp xếp vị trí các chữ kiểu đó còn tìm được ở bộ vì kèo hậu với 3 chữ: “Thánh - Hoàng - Chúc”.

Chạm khắc chữ “ Thánh, Hoàng, Chúc”, đình Bảng Môn, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa

 

Chạm khắc chữ “Lộc”; “Thọ, Khang, Ninh”, đình Bảng Môn, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa

 

Chạm khắc chữ ở đình Bảng Môn, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa

 Chạm khắc chữ ở đình Thượng Phú lại được thể hiện một cách khác. Trên ba câu đầu của vì kèo lần lượt khắc các chữ “Phúc”, “Lộc”, “Khang”, với hình thức khác nhau. Chữ “Lộc” được chạm lồng trong lá đề ở mặt bên câu đầu thuộc vì kèo gian giữa. Chữ này được chạm chung với hình hoa lá cách điệu kèm theo có nghê và 2 chú “chuột” đang nhảy múa. Chữ "Khang" được chạm ở mặt đối diện chữ "Lộc" trong hình lá đề có hai người đàn ông cởi trần đóng khố trong tư thế hai tay nâng chữ này lên, hai bên chữ “Phúc” được chạm hình mèo ngoạm cá và mèo ngoạm chuột, hình mèo đang trong tư thế di chuyển. Toàn bộ bức chạm muốn nói tới cái phúc được hưởng mà từ hình ảnh này đã phản ánh rõ. Cùng hướng với bức chạm này ở câu đầu bộ vì kèo phía trước có hình chạm chữ “Lộc”, cũng được đặt trong lá đề và bên ngoài là hình các hoa lá cách điệu.

Hình người nâng chữ Khang, đình Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung

 Như vậy, hầu hết các công trình kiến trúc gỗ thế kỷ XVII - XIX ở Thanh Hóa đã có sự kế thừa về nghệ thuật thời trước, trong đó có chạm, vẽ, trang trí chữ trên kiến trúc, làm tăng tính uy nghi, mực thước cho di tích, đó cũng ít nhiều thể hiện sự can dự của nhà Nho đến các di tích này./.

 

 

Tác giả: TS. Lê Thị Thảo