CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỄ HỘI ĐỀN NƯA – AN TIÊN, THỊ TRẤN NƯA, HUYỆN TRIỆU SƠN, TỈNH THANH HÓA

Đăng lúc: 23/03/2024 (GMT+7)
100%

 BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỄ HỘI ĐỀN NƯA – AN TIÊN,

THỊ TRẤN NƯA, HUYỆN TRIỆU SƠN, TỈNH THANH HÓA

                                                                          Nguyễn Thị Thủy

Hàng năm cứ đến ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch huyện Triệu Sơn tổ chức khai mạc lễ hội Đền Nưa - Am Tiên, kỷ niệm năm khởi nghĩa Bà Triệu (248). Năm 248, tại Ngàn Nưa, nữ tướng Triệu Thị Trinh đã chiêu mộ binh sĩ, phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Ngô, lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, viết nên những trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sau khi nữ tướng Triệu Thị Trinh mất, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và hằng năm đều tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ và tri ân công ơn của Bà Triệu. Đền Nưa - Am Tiên là di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng, có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia

Lễ hội được khai mạc rất trọng thể và trang nghiêm tại đền thờ Trần Khát Chân và kết thúc tại phủ Nưa. Trần Khát Chân là một tướng lĩnh Đại Việt cuối thời Trần. Ông nổi bật với việc chỉ huy quân đội Việt chống lại các đợt tấn công của Chiêm Thành, đánh bại vua Chiêm. Trần Khát Chân được cho là đã có một thời gian tu hành và thỉnh kinh tại đền Nưa. Do đó, việc kết hợp lễ hội bắt đầu từ đền Trần Khát Chân và kết thúc tại đền Nưa cũng mang ý nghĩa kết nối sự liên quan giữa hai địa điểm này và tạo ra một sự liên kết tâm linh, văn hóa và lịch sử. 

Lễ hội truyền thống Đền Nưa - Am Tiên được bắt đầu với các nghi lễ: Rước nước từ Giếng Tiên, huyệt đạo Am Tiên đến Đền Nưa, Nghè Giáp, Sân vận động thị trấn Nưa; nghi lễ rước kiệu tại Đền Nưa, Nghè Giáp ra sân vận động thị trấn Nưa, trung tâm khu vực đàn tế. Dẫn đầu đoàn rước là đội múa sư tử, đội cồng chiêng tháp tùng đoàn rước. Tiếp theo là đoàn trống hội, các đội cờ, đội mâm lễ sơn trang, đội phường bát âm, đội kiệu, thuyền, võng và chấp kích bát bửu; đội tế lễ, đội nữ binh, dân binh tháp tùng linh vật, đội nhà nông và quan viên, bô lão theo đoàn.

2.png

[Hình ảnh;  Du khách tham gia phần lễ trong lễ hội đền Nưa – Am Tiên]

Sau lễ rước kiệu, dâng hương, chúc văn khai mạc lễ hội đã thông tin bối cảnh ra đời, diễn biến của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu vào thế kỷ 3 sau công nguyên; đồng thời nêu bật bản lĩnh, khí phách của Bà Triệu cùng câu nói bất hủ: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”

1.jpg

[Hình ảnh: Lễ rước nước từ Giếng Tiên]

Sau màn đánh trống, đánh cồng khai hội, là nghi lễ Kính thỉnh chúc văn và nghi lễ mở cổng trời tại huyệt khí quốc gia, đông đảo nhân dân địa phương cùng du khách thập phương đã dâng hương, hoa để tế lễ và tưởng nhớ công đức của tiền nhân, các anh hùng dân tộc và cùng nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà an lành, hạnh phúc.  Ngay sau phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều chương trình đặc sắc có thể là các trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao hoặc các chương trình nghệ thuật.

Trong những năm gần đây Chẳng hạn như năm 2019, BTC thực hiện chương trình nghệ thuật sân khấu hóa do các nghệ sĩ Tuồng - Nhà hát nghệ thuật truyền thống biểu diễn ngợi ca lòng yêu nước và công đức của Bà Triệu, năm 2022 là các chương trình tổ chức trò chơi dân gian, thể thao, năm 2023 là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Am Tiên nơi hội tụ khí thiêng tiên rồng” ngợi ca lòng yêu nước và công đức của Bà Triệu.

Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên đã thu hút được hàng vạn du khách thập phương, cùng các tăng ni phật tử nô nức hành hương về tham dự. Đây là hoạt động văn hóa tín ngưỡng nhằm tôn vinh công đức của các vị anh hùng dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau.

Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt là Sở VH -TT&DL tỉnh Thanh Hóa nói chung, của huyện Triệu Sơn và thị trấn Nưa nói riêng Công tác quản lý lễ hội đã được quan tâm, chú trọng tạo nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành du lịch, dịch vụ. BTC lễ hội trong những năm qua đã nỗ lực trong việc tổ chức, điều hành lễ hội diễn ra theo đúng quy định, quy chế tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo tính truyền thống, trang nghiêm trong phần lễ, vui tươi lành mạnh trong phần hội. Với vai trò trách nhiệm của mình.

Ban tổ chức đã xác định vai trò của tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân pháp luật về quản lý lễ hội. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thị trấn Nưa (trước đây là xã Tân Ninh) nói riêng và huyện Triệu Sơn nói chung đã được các cấp, các ngành coi trọng và thực hiện bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với thực tế địa phương, thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa hàng năm cho cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Công tác tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, truyền hình từ huyện đến cơ sở được phát huy khá hiệu quả. Cùng với tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nội dung tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh còn phản ánh về kết quả công tác quản lý lễ hội Đền Nưa - Am Tiên sau mỗi mùa lễ hội, kịp thời phê phán những vi phạm khi tham gia lễ hội.

Các hình thức tuyên truyền đã phong phú đa dạng hơn trước, không chỉ là các hình thức cổ động trực quan và còn thông qua việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các phong trào văn hóa văn nghệ để lồng ghép các nội dung có liên quan đến di sản văn hóa trên địa bàn trong đó có giá trị của lễ hội Đền Nưa – Am Tiên.

Lễ hội đền Nưa - Am Tiên được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và các tướng sỹ đã hi sinh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông; giáo dục truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn" cho mọi tầng lớp nhân dân. Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Tài liệu tham khảo

[1].        Hoàng Anh Nhân (2014), Lễ tục lễ hội truyền thống xử Thanh, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội

[2].        Quốc hội (2009), Luật số 32/2009/QH12 ngày 18/06/2009 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.

[3].        Bùi Hoài Sơn (2009), Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội

[4].        Phạm Tấn - Phạm Văn Tuấn (2011), Thắng cảnh Ngàn Nưa với đền Nưa và Am Tiên cổ tích, NXB Thanh Hóa.

[5].     Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 Về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.