CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG Ở CÁC HUYỆN MIỀN NÚI TỈNH THANH HÓA

Đăng lúc: 10/04/2022 (GMT+7)
100%

iền núi xứ Thanh với 11 huyện là khu vực rộng lớn chiếm ¾ diện tích toàn tỉnh và 1/3 dân số toàn tỉnh với 7 dân tộc thiểu số sinh sống,mật độ dân cư khá thưa thớt, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí đang còn hạn chế. Với những đặc trưng riêng trong các phong tục, tập quán, lễ hội, dân ca, trò chơi.... ở các huyện miền núi phong phú. Trong những năm gần đây hoạt động văn hóa cộng đồng này đã được quan tâm tuy nhiên chưa đem lại hiệu quả cao.

 
              1.Vài nét về các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa

Miền núi Thanh Hóa gồm 11 huyện: Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát với 196 xã, thị trấn. Trong đó, khu vực miền núi (gồm 11 huyện) chiếm ¾ diện tích toàn tỉnh và là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc như Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ mú, Kinh...  thuộc các nhóm ngôn ngữ: Việt -Mường, Môn - Khơ Me, Thái - Tày, Mông - Dao.

 

Bảng 1.1: Dân số các tộc người thiểu số ở miền núi Thanh Hóa

 

(Nguồn: Số liệu của Ban dân tộc Thanh Hóa năm 2014)

TT

 

Huyện

 

Dân tộc

Mường

Thái

Thổ

Hmông

1

Mường Lát

681

13.621

 

 

11.562

2

Quan Hóa

9.618

26.719

 

 

1.444

3

Quan Sơn

1.046

27.321

 

 

832

4

Bá Thước

49.958

31.444

7

9

5

Lang Chánh

13.087

22.578

 

 

 

 

6

Ngọc Lạc

83.927

246

 

 

 

 

7

Thường Xuân

3.075

47.496

10

2

8

Như Xuân

3.568

22.505

9.251

 

 

9

Như Thanh

17.259

12.204

189

 

 

10

Cẩm Thuỷ

56.306

12.260

 

 

 

 

11

Thạch Thành

68.342

25

2

14

Tổng cộng

987.186

 

487.148

 

217.251

 

870.006

 

 

 Vùng này có vị trí địa lý độc đáo, phía Tây là nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào mà ranh giới tự nhiên phần lớn chạy qua những đỉnh núi cao trên 1000m, phía Bắc là các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, phía Nam là tỉnh Nghệ An, phía đông là vùng đồng bằng và duyên hải.

Đặc điểm địa hình rất đa dạng: có cảnh đồi núi thấy được phân bố trên một diện tích khá rộng thuộc các huyện Thường Xuân, Lang Chánh, cảnh địa hình đồi thấp xen bán bình nguyên cổ và thung lung rộng tại các xã Minh Sơn, Ngọc Sơn, Ngọc Liên, Quang Trung….(huyện Ngọc Lặc) và Cẩm Châu, Cẩm Vân, Cẩm Tân (huyện Cẩm Thủy); cảnh thung lung sông Âm tại Phùng Giáo (Ngọc Lặc), thung lũng sông Mã rộng lớn tại Bá Thước – Cẩm Thủy, thung lung sông Luồng, thung lung Nậm Kiệt…

Các tộc người sống xen cài với nhau nhưng lại thuộc các vùng sinh thái tự nhiên khác nhau: Mường, Thái ở thung lũng, Thổ, Khơ Mú ở rẻo cao…, Mông ở sườn núi cao

Đây là vùng văn hóa đa tộc người, tuy nhiên trong đó tộc người Thái và Mường là tộc người chủ thể vùng, có số dân đông. Những nơi trung tâm cư trú của người Mường thì văn hóa Mường ảnh hưởng mạnh tới văn hóa Thái và ngược lại, những bộ phận nhỏ người Mường sống xen cư với Thái thì văn hóa Thái trở thành yếu tố chủ đạo. Do vậy, trong miền núi Thanh Hóa nổi trội sắc thái văn hóa Mường và văn hóa Thái

Đây là khu vực còn rất nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều hạn chế và cũng là những địa bàn khá phong phú về loại hình hoạt động văn hóa cộng đồng. Vì vậy, việc tổ chức cũng như quản lý các hoạt động văn hóa cộng đồng  để bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc và bảo đảm an toàn xã hội ở những vùng như vậy là nhiệm vụ hoàn toàn không đơn giản.

 

2. Vai trò của người dân và các hoạt động quản lý tổ chức văn hóa cộng đồng các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa

Người dân có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quản lý, tổ chức văn hóa cộng đồng.  Trong các hoạt động quản lý, tổ chức  văn hóa cộng đồng nơi đây đều triển khai cho dân, người dân sẽ phối hợp cùng thực hiện.

Trong quá trình tổ chức các hoạt động đều có sự tham gia có sự giám sát, điều chỉnh của cộng đồng dân cư. Như đối với lễ hội, những nghi thức, nghi lễ chưa đúng sẽ được cộng đồng góp ý điều chỉnh, những thủ tục còn thiếu sẽ được bổ sung, từ đó các giá trị văn hoá truyền thống trong lễ hội được cộng đồng bảo tồn, gìn giữ.

Vai trò của cộng đồng dân cư trong quản lý, tổ chức đã được chứng minh qua quá trình lịch sử. Việc đề cao vai trò của cộng đồng, của Nhân dân địa phương trong tổ chức và quản lý văn hóa cộng đồng, đặc biệt đối với các lễ hội dân gian là hết sức cần thiết. Cộng đồng cần được tạo điều kiện tốt nhất để tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng ở địa phương mình, từ đó có điều kiện phát huy bản sắc, đặc trưng văn hoá, góp phần giới thiệu, quảng bá những nét đẹp về vùng đất, con người địa phương.

Hoạt động quản lý được thực hiện theo các chính sách, chủ trương, thông tư triển khai từ các cấp từ Trung Ương đến tỉnh Thanh Hóa, ở các huyện miền núi cụ thể trên các lĩnh vực tuyên truyền cổ động; giáo dục truyền thống, tín ngưỡng lễ hội trong cộng đồng; Xây dựng nếp sống văn hóa cộng đồng;  Tổ chức hoạt động của các thiết chế nhà văn hóa; quản lý, tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa cộng đồng như festival hoa, hội chợ thương mại, du lịch cộng đồng...

 
3. Thực trạng tổ chức, quản lý hoạt động văn hóa cộng đồng ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa
3.1.         Tổ chưc, quản lý hoạt động thông tin, tuyên truyền.

Công tác thông tin, tuyên truyền ở các huyện miền núi thời gian qua được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội huyện, xã quan tâm chú trọng, đã và đang thực hiện bằng nhiều hình thức góp phần truyền tải những chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.

Việc phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết ở các cấp được tổ chức nghiêm túc, đảm bảo về nội dung, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo đã có sự chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận cao. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các huyện đã lựa chọn được nội dung, giải pháp đột phá phù hợp để tổ chức thực hiện. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi bước đầu đã có sự chuyển biến rõ nét. Các huyện miền núi  đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác kết nghĩa, hợp tác giữa các huyện miền xuôi và các huyện miền núi. 

Thông qua các hoạt động văn hóa nhằm chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, nhất là các chương trình, dự án phát triển kinh tế miền núi đã và đang được triển khai thực hiện; những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế, xây dựng các công trình giao thông, điện, thuỷ lợi, trường học, cơ sở y tế của tỉnh; đặc biệt, tuyên truyền để đồng bào các dân tộc vùng biên giới nhận thức rõ âm mưu "diễn biến hòa bình" bằng nhiều thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để xuyên tạc, lôi kéo, kích động, tìm mọi cách phá hoại đất nước ta, chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân; tuyên truyền đồng bào không di cư tự do, không truyền đạo trái phép; tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy và buôn bán người.

Giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với những thủ đoạn "ru ngủ" thông qua các hoạt động nhân đạo từ thiện, sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài nhằm phá hoại an ninh và bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là ở các bản người Mông (huyện Mường Lát) là một trong những nhiệm vụ và nội dung tuyên truyền trọng tâm và thường xuyên ở nơi đây. Do đó, các xã đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền về bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá, phong tục tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, những giá trị di sản văn hóa vật thể (nhà sàn, di tích,...) và phi vật thể (tri thức dân gian về lao động sản xuất, ẩm thực, chữa bệnh của người Thái, người Mông, người Dao; tiếng nói và các làn điệu hát ru,...); về xây dựng đời sống văn hoá ở bản, làng.

 Lực lượng chuyên trách và cộng tác viên làm công tác tuyên truyền đa số chưa có chuyên môn nghiệp vụ và chưa thường xuyên được đào tạo tại các lớp tập huấn, lại phải kiêm nhiệm nên việc tập trung và phát huy khả năng chuyên môn, nghiệp vụ còn những hạn chế nhất định trong việc đáp ứng với tình hình phát triển của đất nước.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng trong công tác tuyên truyền vẫn còn thiếu, cũ kỹ hư hỏng và lạc hậu, kinh phí hỗ trợ còn nhiều hạn hẹp chưa đáp ứng với yêu cầu tình hình hiện nay. Loa phát thanh chưa đầy đủ. Vì vậy, việc tuyên truyền càng khó khăn hơn.

 

Công tác xã hội hóa hoạt động tuyên truyền tuy được các cấp, các ngành quan tâm nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng chưa có sự kết hợp hài hòa giữa công tác tuyên truyền với các hoạt động kinh doanh sinh lời khác nhằm đẩy mạnh tiến trình xã hội hóa hoạt động tuyên truyền. Hơn nữa kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

ở các huyện miền núi, một số bản còn chưa có điện, đường giao thông đi lại rất khó khăn, dân trí còn hạn chế. Vì vậy công tác tuyên truyền cổ động vất vả, hiệu quả còn chưa cao, chủ trương chính sách, thông tin đến cộng đồng còn chậm và chưa kịp thời. Vì vậy, hiệu quản hoạt động văn hóa cộng đồng chưa cao.

 

3.2.Tổ chức, quản lý hoạt động tín ngưỡng lễ hội trong cộng đồng và giáo dục truyền thống

Các lễ hội dân gian vùng dân tộc sau nhiều năm bị mai một đã từng bước được phục dựng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng miền, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh lành mạnh của người dân, từng bước quảng bá, khai thác phục vụ phát triển du lịch.thúc đẩy sinh hoạt cộng đồng

Về lễ hội: Dân tộc Mường có lễ hội Pồn Pông, Khai Hạ, lễ tục Làm vía kéo Xi, lễ Mừng cơm mới, Sắc bùa; Dân tộc Thái có Lễ hội Kin chiêng boọc mạy; Lễ hội Nàng Han; lễ hội Mường Khô ; Lễ hội Mường Ca Da, lễ hội Mường Piềng Muốp; lễ hội Mường Xia; lễ Cầu nước; lễ hội Căm mương; Dân tộc Thổ có lễ hội Đình Thi; Dân tộc Dao có lễ Cấp Sắc, Tết nhảy; Dân tộc Khơ Mú có Lễ Xên; Dân tộc Mông có lễ hội Tén Tằn …

Về dân ca, dân vũ, nhạc cụ: Dân tộc Thái có Khặp giao duyên, Hát ru; nhạc cụ: Khua Luống, Khèn bè, Boong bu, Sáo, Trống chiêng, Pí Mốt; múa Cá sa, múa Trống chiêng, múa Chá Chiêng...; Dân tộc Thổ có hát Trống chiêng, hát Đối đáp, hát ru, hát giao duyên, hát chậm đò ho...; múa giã cồn, Chậm đò ho...; Dân tộc Mông có Múa ô, múa khèn, hát gâu plềnh...;nhạc cụ: Sáo, Khèn bè, Đàn môi, Khèn lá...; hát gầu, hát giao duyên; Dân tộc Dao có hát giao duyên, hát ru, hát chào hỏi- đối đáp; hát Pả Dung; múa Chuông, múa Rùa, hát múa trong nghi lễ; nhạc cụ: não bạt..; Dân tộc Khơ Mú có hát Tơm; Dân tộc Mường có hát ru, hát giao duyên (xường trai gái), hát Séc bùa, hát nghi lễ, diễn xướng Mo Mường, múa Pồn pông nhạc cụ Cồng chiêng... đã bước đầu được khai thác và tham gia vào ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh hai năm tổ chức một lần, và các sinh hoạt cộng đồng tại các làng, bản. Các lễ hội được tổ chức quy củ, trang trọng về phần lễ, văn minh phần hội nhưng vẫn đảm bảo tính linh thiêng, truyền thống. Nhiều nghi thức lễ hội truyền thống được phục dựng, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian như thi đấu cờ người, bịt mắt đánh trống, đập niêu, kéo co, đẩy gậy, tung còn, múa Pồn Pôông... được tổ chức đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, các lễ hội đều đảm bảo an ninh trật tự, bố trí bãi đỗ xe hợp lý, tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách...Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số được tổ chức hàng năm còn quá khiêm tốn, trong số 500 lễ hội được tổ chức ở Thanh Hóa, các dân tộc thiểu số chỉ có chừng 30 lễ hội (chưa được 10%). Thực tế này khiến chúng ta phải suy ngẫm và đặt ra câu hỏi.

Lễ  hội đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ đồng thời cổ vũ cho các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở miền núi ngày phát triển. Những năm qua, các huyện miền núi đã rất nhiệt tình, sôi nổi trong công tác tập luyện và mang đến cho lễ hội những nhân tố mới, chất lượng phù hợp với tiêu chí các nội dung thi đấu, nhất là các nội dung liên quan đến văn hóa, lễ hội mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào trên toàn tỉnh. Lễ hội được xem là sự kiện chung quan trọng của đồng bào vùng cao, có tác động và tạo sự lan tỏa rộng khắp, toàn diện trong cộng đồng. Đây cũng là dịp tập hợp mọi tầng lớp nhân dân miền núi tham gia hoạt động văn hóa - thể thao ý nghĩa, góp phần rèn luyện và nâng cao sức khỏe, cũng như giới thiệu, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc  trong cộng đồng các huyện miền núi của tỉnh Thanh

 

3.3.Tổ chức, quản lý hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa cộng đồng

Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện miền núi đã chỉ đạo tất cả các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 27. Một số địa phương đã xây dựng và ban hành các văn bản, đề án lành mạnh hóa việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với xây dựng làng, bản văn hóa. Đồng thời, các huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào xây dựng thôn, làng, cơ quan, đơn vị văn hóa... Ngoài ra, Phòng văn hóa - thông tin đã xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn để nhân dân triển khai; phối hợp với phòng tư pháp hướng dẫn các địa phương xây dựng và chỉnh sửa quy ước, hương ước thôn, bản phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; lấy các nội quy làm cơ sở tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa; tổ chức cho nhân dân đăng ký, ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nhờ đó, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, việc cưới đã được tổ chức văn minh, lịch sự, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của từng gia đình; giảm tình trạng tảo hôn, ép cưới. Nam nữ đều tự nguyện kết hôn, cùng nhau thực hiện tốt Luật Hôn nhân gia đình. Một số hủ tục lạc hậu, nghi thức thách cưới rườm rà đã được loại bỏ, người dân tự giác tổ chức cưới lành mạnh không ăn uống linh đình, mở loa đài quá công suất, đơn giản nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc. Một số vùng đồng bào dân tộc như Mường - Dao đã bỏ hẳn lễ thách cưới, không tổ chức ăn uống dài ngày gây lãng phí thời gian và tiền của. Điển hình như xã Cẩm Phú, Cẩm Bình, Cẩm Quý, Cẩm Châu, Cẩm Tâm trước đây dân tộc Mường từ khi ăn hỏi đến khi thách cưới phải sắm đủ lễ vật cho nhà gái (trị giá ước tính hàng chục triệu đồng) nay chỉ còn khoảng vài trăm ngàn đồng cho việc sắm lễ vật, các thủ tục gọn nhẹ không còn rườm rà như trước. Cẩm Vân đã triển khai khắp các thôn việc không tổ chức ăn uống đông người, không hút thuốc lá tại các đám cưới nhiều thôn đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới tại nhà văn hoá thôn do đoàn thanh niên đứng ra tổ chức.

Về tổ chức lễ hội được thực hiện theo hướng vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong lễ hội chú trọng phần lễ nhằm tôn vinh các anh hùng dân tộc, thành hoàng làng, qua đó giáo dục truyền thống đoàn kết, xây dựng, bảo vệ đất nước cho nhân dân. Phần hội được tổ chức vui tươi, lành mạnh, kết hợp biểu diễn văn hóa, văn nghệ với tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao, như: Kéo co, đẩy gậy, ném còn, chơi đu...; không có hiện tượng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, bói toán.

Để phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có sức lan tỏa, thời gian tới các huyện miền núi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc thực hiện nếp sống mới; sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước làng về nếp sống văn hóa nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi người dân; đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với đó tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Các địa phương, thôn, bản cụ thể hóa nội dung tổ chức tang ma theo nếp sống mới trong quy ước, hương ước xây dựng làng, bản văn hóa, gia đình văn hóa. Do vậy đã chuyển hóa nhận thức thành hành động và đạt được kết quả bước đầu".

Đối với việc tang, các hủ tục được xóa bỏ triệt để, không còn tình trạng tổ chức ăn uống linh đình, gọi hồn, bắt vía, mở trống kèn quá công suất, quá giờ quy định, khóc mướn, rải tiền, vàng mã trên đường đi. Tiêu biểu như xã Lương Sơn, trước đây mỗi khi gia đình nào có người mất thì cả làng đến ăn cỗ linh đình trong 3 ngày, tình trạng khóc mướn rải vàng mã diễn ra khá phổ biến. Nhưng nhờ cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nên nhiều năm nay nhân dân đã tự giác tổ chức đám tang theo hình thức văn minh, tiết kiệm.

Trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu là 100% số thôn, bản hoàn thành việc xây dựng nghĩa trang tập trung, có đường giao thông từ bản ra nghĩa trang, đám tang của đồng bào Mông thực hiện đúng quy định tại Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL và 100% số bản đạt danh hiệu bản văn hóa, gia đình văn hóa. Với nguồn kinh phí hơn 400 triệu đồng chủ yếu phân bổ cho công tác tuyên truyền cho nên khả năng nhân rộng thực hiện tang lễ theo nếp sống mới gặp khó khăn. Đáng nói là, việc không còn nguồn hỗ trợ gia đình có người quá cố mua quan tài và hỗ trợ 41 bản quy hoạch đất xây dựng, hoàn chỉnh nghĩa trang cho nên tục không quàn người quá cố vào quan tài, hung táng phân tán vẫn diễn ra ở nhiều bản có các dòng họ, số đông đồng bào Mông sinh sống ở vùng thượng du Thanh Hóa.Trong tổ chức tang lễ, số lượng đám tang thực hiện hỏa táng đang ngày càng tăng, hiện chiếm khoảng 10%. Năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh, nhờ đó hình thức hỏa táng ngày càng được các gia đình lựa chọn nhiều hơn. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong việc tang ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng giảm đáng kể, tiêu biểu là ở các huyện Quan Sơn, Mường Lát... Nhất là ở vùng đồng bào dân tộc Mông, với đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông  tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.

Có thể nói, những kết quả trong việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn một số huyện miền núi thời gian qua rất đáng ghi nhận. Với sự vào cuộc tích cực của các xã, thị trấn, sự tham gia ủng hộ của người dân, việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã đi vào chiều sâu, xây dựng đời sống tinh thần tốt đẹp hơn trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Để việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh ngày càng lan toả, tạo sự chuyển biến thực chất, rõ nét hơn trong các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục xây dựng chuẩn mực về nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân và trong cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn 11 huyện miền núi

 

3.4. Tổ chức, quản lý các thiết chế văn hóa cơ sở

Hàng năm, Sở VH,TT&DL phối hợp các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, định hướng nội dung nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của TCVH - TT xã. Ở cấp huyện, Trung tâm VH -TT các huyện  đã tổ chức nhiều hoạt động VH-TT phong phú, quy mô hoành tráng phục vụ nhân dân vào những dịp lễ hội, mừng Đảng, mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn. Bởi vậy chất lượng phong trào VHVN, TDTT ở cơ sở từng bước được nâng lên.

Từ ngày xây dựng nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, xã, nhân dân cùng chung tay để xây dựng lại hệ thống thiết chế VHTT đồng bộ, vừa có chỗ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức hội họp dân, vừa có sân bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông... cho thanh niên, người cao tuổi, các cháu thiếu nhi vui chơi, giải trí. Những hoạt động này đã giúp cho người dân thêm gần gũi, gắn bó, tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt. Một trong những hiệu quả rõ nét là hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống tại một số địa phương đã vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân, vừa góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì vẫn còn không ít nhà văn hóa hoạt động kém hiệu quả, hoặc xây rồi bỏ không, thậm chí có TCVH nhưng lại không có trang thiết bị… Một số xã không còn mặn mà, quan tâm xây NVH.  

Các xã đạt chuẩn NTM đều có đầy đủ các công trình văn hóa theo quy định. Ngoài việc tu sửa, cải tạo, mở rộng khuôn viên, một số địa phương còn đầu tư xây mới các công trình. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động lại không cao như kết quả đầu tư. Mặc dù trung tâm văn hóa xã được đầu tư khá hoành tráng và quy mô nhưng hầu như số lần được sử dụng rất ít, chủ yếu chỉ mở cửa khi tổ chức các sự kiện lớn của xã như đại hội thể dục thể thao và một vài hoạt động khác... còn hầu như chỉ đóng cửa cả ngày.

NVH thôn ở các xã đạt chuẩn NTM cơ bản đã đáp ứng được về diện tích cũng như trang thiết bị nhưng đa số chỉ dùng để hội họp, rất ít khi tổ chức các hoạt động khác. Nhiều NVH có tủ sách, báo song cũng không thu hút được người dân nào đến mượn.

Hiện nay, cái khó khăn lớn nhất trong hoạt động của NVHCĐ là nguồn lực tài chính. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm đi công năng của NVHCĐ cũng như kéo theo một loạt hệ lụy, yếu kém khác. Do vậy cần thiết phải xây dựng và ban hành một nghị quyết chuyên đề về NVHCĐ; trong đó cần bảo đảm các nội dung: quan điểm sử dụng, kinh phí đầu tư xây dựng, kinh phí hoạt động thường xuyên được phân bổ hằng năm và kinh phí phụ cấp cho ban chủ nhiệm, công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho ban chủ nhiệm và các cộng tác viên của NVHCĐ...

Các thiết chế văn hóa “có vỏ, rỗng ruột”, nếu không kịp thời tìm được lời giải thì bài toán hoạt động không hiệu quả của hệ thống này sẽ vẫn tồn tại như những thách thức. Nhấn mạnh thiết chế văn hóa là một chỉnh thể hội tụ đầy đủ bốn yếu tố: Cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí, chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa. Yếu kém ở một khâu cũng dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong hoạt động của mỗi thiết chế văn hóa nói riêng và toàn hệ thống nói chung.

Thực tiễn, hoạt động văn hóa cộng đồng  các dân tộc miền núi Thanh Hóa chỉ diễn ra tương đối đều đặn ở những trung tâm huyện lỵ, và một vài địa phương hội đủ các điều kiện: tài chính, nhân sự và sự ủng hộ của cộng đồng. Còn lại, đa phần hoạt động văn hóa cộng đồng đang ngày càng “lép vế” trước các hoạt động kinh doanh văn hóa của các hộ gia đình tư nhân. Đa phần các địa phương chưa tổ chức được những hoạt động văn hóa cộng đồng có giá trị tinh thần đúng nghĩa, vắng bóng các khu vui chơi, sinh hoạt tập thể, nhất là các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể cho thanh thiếu niên.  Việc tận dụng và phát huy công dụng của nhà văn hóa hay các trung tâm học tập cộng đồng chưa thực sự hiệu quả. Nhiều địa phương có cơ sở khang trang cũng khó có thể tổ chức các hoạt động bởi thiếu nhân sự, kinh phí và một số hoạt động lễ hội truyền thống có nguy cơ bị mai một hoặc biến tướng, gây bức xúc trước dư luận xã hội.

Trong bối cảnh như vậy,  các hoạt động văn hóa cộng đồng dân tộc miền núi Thanh Hóa luôn đóng vai trò quan trọng cần có những giải pháp tổ chức hoạt động phù hợp và các phương thức quản lý hữu hiệu. Bởi hoạt động văn hóa cộng đồng chính là sợi dây mềm dẻo, linh hoạt, bền chặt để gắn kết con người với con người; con người với cộng đồng; cộng đồng với cộng đồng; cộng đồng với quốc gia dân tộc, tạo nên một tinh thần đoàn kết đến cố kết cộng đồng tồn tại bền chặt hơn. Hoạt động văn hóa cộng đồng tạo ra môi trường cho mỗi cá nhân phát triển lành mạnh cả thể chất lẫn tâm hồn. Mỗi cá nhân sẽ sống, làm việc vì cộng đồng, vì sự tiến bộ xã hội nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là khu vực còn rất nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống văn hóa, giáo dục, y tế và trình độ của người dân có nhiều hạn chế và cũng là những địa bàn khá phong phú về loại hình hoạt động văn hóa cộng đồng. Vì vậy, việc tổ chức cũng như quản lý các hoạt động văn hóa cộng đồng  để bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc và bảo đảm an toàn xã hội ở những vùng như vậy là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài.

 

 Tài liệu tham khảo.

1.     Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa (2009), Địa chí huyện Lang Chánh, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

2.     Nguyễn Kim Liên (2008), Giáo trình phát triển cộng đồng, Nxb Lao động - Xã hội.

3.     Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa (2000), Địa chí Thanh Hóa (Lịch sử và Địa lý), Nxb VHTT, Hà Nội.

4.     Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa (2004), Địa chí Thanh Hóa (Văn hóa - Xã hội), Nxb KHXH, Hà Nội.

5.     Hoàng Minh Tường (2009), Văn hóa dân gian dân tộc Thổ ở làng Sẹt, Hội Văn hóa Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chi hội Thanh Hóa phát hành.

6.     Ngô Đức Thịnh (2006), Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội

                                                                                                    Tác giả: Nguyễn Thị Thủy