CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

SÁCH " CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG NÔNG THÔN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA DI CƯ LAO ĐỘNG Ở THANH HÓA"

Đăng lúc: 19/05/2020 (GMT+7)
100%

 Quá trình phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Sau 30 năm Đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh ở khắp các vùng miền đất nước, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng không ngừng về kinh tế và tốc độ đô thị hóa. Quá trình dịch chuyển dân số và xuất cư lao động gia tăng nhanh ở tất cả các vùng miền của đất nước. Kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế diễn ra nhanh chóng cùng với chính sách đổi mới, hội nhập đang làm gia tăng các luồng di cư trong nước và quốc tế. Chênh lệch về thu nhập, mức sống, sự phát triển nhanh của mạng lưới giao thông, viễn thông là những nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến quyết định di cư vì mục tiêu kinh tế.

Di cư là một hiện tượng khách quan và phổ biến diễn ra trong suốt quá trình lịch sử nhân loại, phản ánh quy luật của phát triển. Di cư có vai trò tích cực trong tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng vào giảm nghèo và cải thiện mức sống của hộ gia đình có lao động đi làm ăn xa. Thu nhập của lao động di cư gửi về đã giúp tăng chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản và từ đó nâng cao mức sống của các gia đình. Di cư lao động được xem như một chiến lược sống của cá nhân và hộ gia đình nhằm cải thiện cuộc sống và đa dạng hóa nguồn sinh kế. Một trong những mục đích cơ bản của di cư kinh tế là nhằm cải thiện mức sống, giải quyết việc làm, giảm sức ép đất đai và nâng cao mức sống của hộ gia đình. Ở cấp độ cao hơn, di cư lao động góp phần làm thay đổi vốn nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và làm chuyển dịch cơ cấu lao động.

Trên thực tế, những dòng xuất cư lao động từ nông thôn, nơi có điều kiện sống còn khó khăn vẫn không ngừng gia tăng cả về quy mô cũng như tỷ trọng. Để tăng trưởng kinh tế, cần phải tăng năng suất lao động, có nghĩa là cần phải tăng động lực di cư đối với những lao động ở những vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiềm năng phát triển hạn chế. Tuy nhiên, tác động của di cư lao động đến địa bàn nơi đi thường ít được chú ý, hoặc nhìn nhận từ góc độ tiêu cực. Hiện có rất ít các nghiên cứu ở Việt Nam về tác động của di cư đến chuyển dịch cơ cấu lao động ở nơi đi. Cuốn sách Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn dưới tác động của di cư lao động ở Thanh Hóa của tác giả Đoàn Văn Trường cung cấp bằng chứng và phân tích hiện trạng, xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Sự phát triển các cụm, các khu công nghiệp đã thu hút một lực lượng lớn lao động nông thôn đang cần thu nhập và việc làm. Đồng thời, thị trường lao động ở các thành phố lớn đang thu hút lao động nông thôn đến các đô thị, thậm chí qua biên giới quốc gia. Sự chênh lệch về thu nhập giữa nơi đi và nơi đến là nguyên nhân căn bản đằng sau động lực di cư của người dân Triệu Sơn cũng như tại nhiều địa phương khác của Thanh Hóa.

Nghiên cứu tác động của di cư lao động trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh phát triển hiện nay ở Việt Nam. Đương nhiên, chủ đề này không phải chỉ nghiên cứu một lần là xong, mà cần được mở rộng về không gian lẫn thời gian. Công trình nghiên cứu của tác giả Đoàn Văn Trường là một nỗ lực đáng trân trọng. Cuốn sách không chỉ sử dụng cho các nhà xã hội học, mà còn hữu ích cho các nhà quản lý và tất cả những ai quan tâm tới chủ đề này. Trên tinh thần ấy, tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.