NHỮNG BIA ĐÁ TIÊU BIỂU CỦA XỨ THANH
Có thể nói Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng bia đá khá đồ sộ với nhiều điển hình. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa, số lượng bia đá ở Thanh Hóa lên đến hơn 1.000, niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XX. Đó là những kiệt tác về mỹ thuật và mang theo những thông điệp, mật mã lịch sử - văn hóa của người xưa. Nhiều nội dung và biểu tượng chạm khắc trên bia vẫn còn là ẩn số đang chờ được giải mã. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tìm được trong kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm tư liệu về 99 bia do thợ đá An Hoạch khắc, phân bố khắp vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (chắc chắn con số này chưa đầy đủ). Như vậy, thợ đá An Hoạch của Thanh Hóa đã vượt ra khỏi phạm vi địa phương của mình để hành nghề ở nhiều vùng đất khác nhau của đất nước. Nhiều bia đá không ghi lại thông tin người khắc, nhưng với đặc trưng nguyên liệu đá nặng nề, được chế tác trong thời kỳ kinh tế thương mại chưa mấy phát triển, lại ở trên vùng đất có trữ lượng đá quý dồi dào, nên có thể phỏng đoán hầu hết sản phẩm đá ở Thanh Hóa được làm từ nguồn nguyên liệu địa phương, và phần lớn do thợ An Hoạch khắc. Một trong những tấm bia đá sớm nhất của Việt Nam hiện được biết là Đại Tuỳ Cửu Chân quận Bảo An Đạo trường chi bi minh, niên đại thế kỷ VII ở Đông Sơn, Thanh Hóa, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Các bia đá thời Lý - Trần ở Thanh Hóa còn lại không nhiều, chủ yếu gắn với các chùa thờ Phật. Tấm bia có niên đại sớm nhất của thời Lý hiện được biết đến là Minh Tịnh tự bi văn (niên đại 1090, ở huyện Hoằng Hóa). Bia An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký (niên đại khoảng 1100, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) cho biết về sự quý giá của nguyên liệu đá An Hoạch và sự phát triển của nghề chế tác đá ở An Hoạch từ thời Lý. Chùa Sùng Nghiêm (huyện Hậu Lộc) có bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi văn khắc năm Hội Trường Đại Khánh 9 (1118). Chùa Hương Nghiêm (huyện Thiệu Hóa) có bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh, niên đại 1125. Chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn, thuộc huyện Hà Trung có bia Ngưỡng sơn Linh Xứng tự bi minh (1126), hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đây là tấm bia có rùa đội hiện được coi là sớm nhất nước ta và là duy nhất của thời kỳ này. Thời Trần hiện biết còn lại 4 văn bia ở Thanh Hóa: Thứ nhất là Hưng Phúc tự bi, niên đại 1324, tại chùa Hưng Phúc (chùa Kênh) thuộc huyện Quảng Xương. Thứ hai là Động Bồng sơn am, niên đại 1350, thuộc huyện Hà Trung. Thứ ba là Tượng Sơn bi ký, niên đại 1353, ở làng Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa. Thứ tư là Vân Lỗi sơn Sùng Nghiêm tự đại bi nham, niên đại 1372, thuộc huyện Nga Sơn. Thời Lê sơ, ngoài các bia chùa còn xuất hiện nhiều bia gắn với các lăng mộ của vua và hoàng tộc, quan tướng. Nghệ thuật điêu khắc bia đá thời Lê sơ, mà đặc trưng là bia đá ở lăng mộ Lam Kinh đã đạt giá trị nghệ thuật tinh xảo về kỹ thuật, quy mô to lớn hơn các thời trước, có nhiều sáng tạo trong bố cục trang trí với sự đồng nhất trong thể hiện nội dung hàm súc, triết lý sâu xa, xứng đáng đại diện cho phong cách chuẩn mực của bia Việt Nam thế kỷ XV - XVI. Lam Sơn Vĩnh Lăng bi đã trở thành một điển hình chuẩn mực của bia Việt Nam ở thế kỷ XV. Bia thế kỷ XVI - XVIII ở Thanh Hóa có số lượng lớn, thuộc nhiều loại hình, nội dung biểu đạt phong phú. Các bia ở thế kỷ XVII - XVIII thường to lớn về kích thước, đa dạng về tạo dáng, độc đáo, trang nhã, nhưng vẫn giàu chất dân gian trong trang trí, biểu hiện sự cởi mở, vui tươi qua nhiều đề tài mang tinh thần dân tộc. Có thể kể đến các bia đá tiêu biểu thời kỳ này như: Vạn phúc tự bi ký dựng năm Đức Long thứ 6 (1634); Tu tập Uy linh miếu bi ký dựng năm Đức Long thứ 7 (1635) ở huyện Đông Sơn; Lê Lệnh Công sự nghiệp bia ký dựng năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), Lê Tướng Công vạn thế phụng tự bi ký dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) ở huyện Triệu Sơn; Tướng công thọ bi, ở lăng Tướng Công Tạ Tôn Đài thuộc huyện Hậu Lộc, dựng năm Phúc Thái thứ 2 (1775); Phúc Thần bi ký ở đền thờ Lê Đình Châu, huyện Tĩnh Gia dựng năm Cảnh Hưng 40 (1779), các bia Hậu thần bi ký tại đền thờ Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa ở TP Thanh Hóa, dựng năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782)... Một số tấm bia đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám ghi rõ tên thợ đá An Hoạch khắc (bia khoa thi Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 5 (1739); bia khoa thi Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 4 (1743); bia dựng năm 1744 (Cảnh Hưng thứ 5); bia khoa thi Quý Mùi niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 24 (1763); bia khoa thi năm Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748). Các tấm bia đều được khắc bằng loại đá được khai thác tại núi An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (hiện nay vẫn còn 1 tấm bia ghi lại việc lấy đá ở vùng này khắc 25 bia Văn Miếu vào năm 1653). Hai bên đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có hai bia đá. Tuy không ghi rõ do thợ An Hoạch khắc nhưng truyền thuyết và ca dao vùng này vẫn lưu truyền sự cực khổ của người thợ đá An Hoạch khi vận chuyển và làm tượng, bia đá trong đền. Bên trái là bia Phúc Khê tướng công từ, niên đại Hoằng Định thứ 18 (1618). Bên phải là bia Thượng Thư lệnh công ký, niên đại Vĩnh Tộ thứ 10 (1628). Nhìn chung hai tấm bia này với nghệ thuật chế tác điêu luyện có thể coi là mang phong cách điển hình của mỹ thuật đương thời (tương tự bia chùa Bút Tháp, Bắc Ninh). Bia đá thời Nguyễn trên đất Thanh Hóa tuy so với thời Lê - Trịnh có ít hơn, nhưng vẫn có mật độ khá đậm đặc với trên 150 chiếc. Đây là một con số khiêm tốn trên một vùng đất có nhiều cơ sở cho thấy số lượng bia Nguyễn có thể lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, bia Nguyễn do thợ Thanh Hóa khắc còn được tìm thấy ở nhiều địa phương khác trong nước như: Khắc thạch lặc công (1815) tại chùa Quang Phúc, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội; Báo đức bi kí (1851) tại chùa Phượng Linh xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, Ninh Bình... Bia Khiêm cung ký với nội dung văn bia do chính vua Tự Đức soạn khi còn sống, hiện dựng tại lăng vua Tự Đức ở Huế. Bia được làm bằng đá nguyên khối lấy từ Thanh Hóa, cao 4,07m, rộng 2,59m, chỗ dày nhất là 0,48m. Bia có trọng lượng ước tính khoảng 22 tấn. Tấm bia này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác lập kỷ lục là bia đá cao và nặng nhất Việt Nam vào năm 2008 và được công nhận là bảo vật quốc gia. Bia đá không chỉ là một hiện vật liên quan đến việc ghi chép lịch sử đương thời, một tác phẩm mỹ thuật truyền thống quý giá, mà hơn thế nữa, với chất liệu đá và niềm tin tín ngưỡng của người Việt, trải qua hàng trăm năm nó như một vật thiêng, một chứng nhân quan trọng của lịch sử. An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký, niên đại 1100, hiện đặt tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Ảnh: TL
Lam Sơn Vĩnh Lăng bi, Niên đại thế kỷ XV, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: TL
|
Tác giả: TS. Lê Thị Thảo |
- HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2023 - 2024
- NGHIỆM THU ĐỀ TÀI SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP KHOA NĂM 2023
- NGHIỆM THU ĐỀ TÀI CƠ SỞ NĂM 2023
- SINH VIÊN KHOA VĂN HÓA THÔNG TIN THAM DỰ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2022 - 2023
- SINH VIÊN KHOA VĂN HÓA- THÔNG TIN THAM DỰ HỘI NGHỊ NGHIỆM THU ĐỀ TÀI SINH VIÊN CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2022-2023
- NGHIỆM THU ĐỀ TÀI SINH VIÊN NĂM HỌC 2022-2023 CẤP KHOA
- KHOA VĂN HÓA- THÔNG TIN DỰ THẨM ĐỊNH THUYẾT MINH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ NĂM 2023
- GIẢNG VIÊN KHOA VĂN HÓA- THÔNG TIN THAM DỰ THẨM ĐỊNH THUYẾT MINH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ NĂM 2023
- ĐÁNH GIÁ THUYẾT MINH ĐỀ TÀI CƠ SỞ CẤP KHOA LẦN 1 NĂM HỌC 2022-2023
- ĐÁNH GIÁ THUYẾT MINH ĐỀ TÀI CƠ SỞ CẤP KHOA LẦN 2 NĂM HỌC 2022-2023