HÌNH TƯỢNG TÙNG, CÚC, TRÚC, MAI TRONG KIẾN TRÚC GỖ TRUYỀN THỐNG XỨ THANH
Cùng với hình tượng con người và linh vật, hình tượng cỏ cây hoa lá đã góp phần làm cho các cấu kiện kiến trúc gỗ truyền thống trở nên mềm mại, sống động, linh thiêng. Đây cũng là một trong những cơ sở để xác định tính đặc thù của kiến trúc và cội nguồn của nó. Trong môi trường của xứ nhiệt đới gió mùa, nền kinh tế nông nghiệp có vai trò chủ đạo, hình tượng cỏ cây, hoa lá được thể hiện khá phong phú, nhưng thường thấy nhất là tùng, cúc, trúc, mai (tứ quý) gắn với những những ước vọng tốt đẹp của người xưa.
Tùng, cúc, trúc, mai, đình Trung,xã Hà Yên, huyện Hà Trung, thế kỷ XIX Ảnh: Hiếu Trần
Hình tượng tùng Người xưa coi tùng là đại diện cho trăm cây, thường biểu tượng cho người quân tử luôn nhẫn nại và vượt lên trên những va đập của đời thường, luôn giữ được sự ngay thẳng, tinh thần vững vàng. Với sự vững chãi, tùng còn biểu hiện cho sự trường thọ, trong nghệ thuật tạo hình nhiều khi đi cùng với hạc để tạo thành một cặp "tùng hạc diên niên" có ý chúc thọ.
Hình tượng tùng trong bức chạm "Lão Tử cưỡi trâu", chùa Hoa Long, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, thế kỷ XVI – XVII Ảnh: Thảo Lê Trong chùa Hoa Long (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc) có một bức chạm hình Lão Tử cưỡi trâu, toàn bộ bố cục được phủ lên bởi tán cây tùng. Ở đây, hình tượng tùng làm tôn thêm vẻ thanh tao và trường tồn gắn với tích truyện mà mảng chạm biểu hiện. Ở nhiều di tích khác, dễ gặp những hình tượng tùng hóa long, tùng hóa long mã, tùng hòa quyện với lân, cá chép... (như các bức chạm tại đền thờ Lý Thường Kiệt, đình Trung, nhà cổ ông Hoàng Ngọc Quỹ – Hà Trung, đình Đông Môn – Vĩnh Lộc...). Ở đó, uy lực của tùng như càng gia tăng, và người ta còn có thể nhận ra những ý chí, ước nguyện tốt lành được gửi gắm một cách ý nhị. Tại đình Trung (xã Hà Yên, huyện Hà Trung), tùng được chạm cùng với hươu biểu trưng cho tài lộc, thịnh vượng và trường thọ (hươu trong tiếng Hán được gọi là “lộc”, từ này đồng âm với “lộc” trong "tài lộc"). Bên cạnh đó còn lồng ghép những chú chim nhỏ với mong ước thành đạt, tiến thân trong quan lộ (chim trong tiếng Hán được gọi là "tước", đồng âm với "tước" trong "tước vị"). Hình tượng cúc Hình tượng cúc có nhiều cách thể hiện khác nhau trong nghệ thuật chạm khắc. Chúng ta bắt gặp hình tượng rồng hóa cúc ở đình Thượng Phú (xã Hà Đông, huyện Hà Trung), hươu ngậm hoa cúc, rồng chầu hoa cúc ở đình Bảng Môn (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa)... Các đề tài chạm khắc hoa cúc với kỹ thuật chạm thủng, lộng, bong kênh được trang trí và đặt ở nhiều vị trí khác nhau như trên cốn, cửa khám, trên ván gió.... Trong lĩnh vực tâm linh của người Việt, hình tượng cúc mang dương tính, nhiều khi là hóa thân của mặt trời. Rồng chầu hoa cúc, đình Bảng Môn,xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, đầu thế kỷ XVII Ảnh: Thảo Lê Ở đình Bảng Môn (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa) có hình ảnh rồng chầu mặt trời, với mặt trời được biểu hiện dưới dạng hình tròn tỏa đao lửa, bên trong là bốn nửa bông cúc ở bốn phía, nối với nhau bằng một hình chữ thập, tạo thành một biểu tượng thiêng liêng: hoa cúc tượng cho nguồn phát sáng (mặt trời), hình tròn bao quanh tượng trưng cho bầu trời, với ngụ ý ánh sáng thiêng liêng tỏa khắp muôn phương, tạo nguồn hạnh phúc ngập tràn vũ trụ. Ở một mảng chạm khác, hai con rồng chầu hoa cúc với đầy đủ lá, nụ, cuống. Ở mặt nào đó, phong cách nghệ thuật đã tương đồng với những mảng chạm ở phía Bắc, song, mảng chạm này đã biểu hiện sự khoáng đạt, bố cục khá chặt chẽ với những nét chạm chắc tay, dứt khoát, không rối, không thừa, không thiếu, mang tính chuẩn mực. Hình tượng cúc hóa long được biểu hiện khá phong phú ở các công trình kiến trúc truyền thống khác như đình Đông Môn (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc), đình Thượng Phú (xã Hà Đông, huyện Hà Trung)... Ở đình Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, bắt gặp hình hoa cúc chạm độc lập trong một ô hình chữ nhật với những cánh dầy, khỏe khoắn. Bên trong hoa cúc lớn còn có một bông cúc nhỏ bốn cánh như nhụy hoa. Đây là bức chạm hoa cúc độc đáo trong mỹ thuật đình làng, đặc biệt ở xứ Thanh, phong cách thế kỷ XVII với tính dân gian rất cao, mang vẻ đẹp đột ngột đầy sáng tạo. Hoa cúc, đình Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, thế kỷ XVII Ảnh: Thảo Lê Hình tượng trúc Hình tượng trúc trong nghệ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ XVII - XIX ở Thanh Hóa khá đậm đặc, có lẽ bởi các nhà Nho ở mỗi ngôi đình luôn mong muốn đề cao vai trò người quân tử. Hình tượng trúc hóa long, thường được chạm ở vị trí bẩy hiên, như ở đình Đông Môn (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc), hay ở các mảng chạm gắn trên vì của đình Thượng Phú (xã Hà Đông, huyện Hà Trung). Tại chùa Hoa Long (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc) chúng ta bắt gặp hình tượng trúc hóa long ở hai mảng chạm: mảng thứ nhất được chạm thủng đặt ở ván thưng trước cửa chùa; mảng thứ hai được chạm bong kênh và thủng đặt ở vị trí ô thoáng cạnh cột trốn trên xà nách gian giữa tiền đường. Ở đền thờ Trần Khát Chân ngay sát bên cạnh chùa Hoa Long, trong hậu cung cũng có một bức chạm đề tài này với kỹ thuật chạm và thủ pháp tạo hình khá đặc sắc. Trúc hóa long, đình Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, thế kỷ XIX Ảnh: Thảo Lê
Hình tượng mai Hình tượng mai trong nhiều kiến trúc truyền thống ở xứ Thanh được thể hiện chủ yếu trên các bẩy hiên, như ở đên thờ Lý Thường Kiệt (xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung), đình Phú Khê (xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa), đình Đông Môn (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc)... Mai được chạm bong kết hợp chạm lộng, phát huy nét mau, thưa, dày, mỏng mà tạo ra nhịp điệu sống động nhưng đầy triết lý về sự quần tụ, hòa thuận “một nhà như thể trúc mai”. Tại đình Trung (xã Hà Yên, huyện Hà Trung có bức chạm trên vì nách đầy đủ các loại cây, hoa trong bộ tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Trong mảng chạm này, nghệ nhân đã khéo léo bố cục các hình tượng tứ quý không theo một quy luật nào, chỗ mau, chỗ thưa, chỗ to, chỗ nhỏ, hóa giải tài tình sự thô cứng của mảng gỗ được ghép trên bức vì. Ngoài ra, còn có một bức chạm mai khá sinh động, kích thước khoảng 50cm x 50cm, mai được chạm với những bông hoa ở rộ, kèm theo đó là đôi chim hỷ thước. Trong văn hóa Á Đông, chim hỷ thước hót dự báo điềm cát, mặt khác, bố cục "hỷ thước đăng mai" này mang ý nghĩa “hoa mai khoe nhị đón điềm tốt, chim khách trên cây báo điềm lành” được xem là một biểu may mắn, hạnh phúc.
Chạm khắc mai ở đình Trung, xã Hà Yên, huyện Hà Trung, thế kỷ XIX Ảnh: Lê Thảo Trong nghệ thuật tạo hình, người ta cho rằng việc chạm khắc thực vật đứng đầu về mức độ khó “nhất mộc, nhị nhân, tam vân, tứ thú” (tức chạm cây khó nhất, rồi đến chạm người, chạm mây và cuối cùng là chạm thú). Tuy nhiên, với những hình tượng tùng, cúc, trúc, mai được chạm khắc một cách sinh động trong các công trình kiến trúc cổ truyền nêu trên, dù chưa đầy đủ đã thể hiện óc sáng tạo và bàn tay tài hoa của những người thợ mộc xứ Thanh trong lịch sử.
|
Tác giả: TS. Lê Thị Thảo |
- HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2023 - 2024
- NGHIỆM THU ĐỀ TÀI SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP KHOA NĂM 2023
- NGHIỆM THU ĐỀ TÀI CƠ SỞ NĂM 2023
- SINH VIÊN KHOA VĂN HÓA THÔNG TIN THAM DỰ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2022 - 2023
- SINH VIÊN KHOA VĂN HÓA- THÔNG TIN THAM DỰ HỘI NGHỊ NGHIỆM THU ĐỀ TÀI SINH VIÊN CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2022-2023
- NGHIỆM THU ĐỀ TÀI SINH VIÊN NĂM HỌC 2022-2023 CẤP KHOA
- KHOA VĂN HÓA- THÔNG TIN DỰ THẨM ĐỊNH THUYẾT MINH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ NĂM 2023
- GIẢNG VIÊN KHOA VĂN HÓA- THÔNG TIN THAM DỰ THẨM ĐỊNH THUYẾT MINH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ NĂM 2023
- ĐÁNH GIÁ THUYẾT MINH ĐỀ TÀI CƠ SỞ CẤP KHOA LẦN 1 NĂM HỌC 2022-2023
- ĐÁNH GIÁ THUYẾT MINH ĐỀ TÀI CƠ SỞ CẤP KHOA LẦN 2 NĂM HỌC 2022-2023