CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

HÌNH TƯỢNG RỒNG TRONG ĐÌNH LÀNG XỨ THANH

Đăng lúc: 03/11/2022 (GMT+7)
100%

Rồng là con vật huyền thoại, có mặt gần như trong mọi nền văn hóa của nhân loại với nhiều lớp ý nghĩa biểu tượng. Nhiều người cho rằng, khởi thủy của hình tượng rồng là con rắn thần Mútx-Hútx ở vùng Trung Cận Đông. Khi sang phương Tây, nó hóa thân thành con rồng lửa, phần nhiều là biểu hiện cho sự ác. Sang phương Đông, nó thường hội nhập với con rắn thiêng của địa phương để thành loại rồng thiêng gắn với tầng trời, nguồn nước, với sức mạnh vô biên và mang nhiều điều tốt lành. Đối với người Việt, con rồng tượng cho lực lượng thiêng liêng ở tầng trời, nhiều khi đồng nhất với uy lực của vua. Khi đi vào dân gian, rồng gắn với mây và là biểu tượng của nguồn nước. Trong mối quan hệ với Phật giáo, rồng đại diện cho thế giới ở bên dưới, đã quy y Phật pháp. Chính vì vậy, hình tượng rồng được thể hiện phổ biến trên hầu hết loại hình di tích và các vị trí có thể chạm khắc.

 Trong đình làng ở xứ Thanh, rồng dạng tượng tròn hầu như chỉ thấy nhiều trên nóc đình, được đắp bằng vôi vữa, niên đại từ thế kỷ XIX, dưới dạng rồng chầu mặt trời/mặt trăng hay dạng si vẫn (một đầu, không thân, nhưng có đuôi là cụm vân xoắn lớn). Rồng thành bậc ở đình làng hiện còn lại rất ít ỏi, như rồng đá trước cửa đình Hồng Nhuệ (xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa), đình Phú Khê (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa)… Hình tượng rồng được biểu hiện tập trung trên các mảng chạm khắc, mỗi giai đoạn lịch sử có phong cách riêng.

Những hình chạm khắc rồng trên gỗ của đình làng xứ Thanh xuất hiện sớm nhất ở đình Bảng Môn (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa). Trên vì nóc gian giữa hậu cung của đình có mảng chạm thủng rồng chầu vào trung tâm là một con chim nổi cao hơn hàng rồng (như đang đội con chim ở bên trên). Trong nghệ thuật Phật giáo, có hình thức con chim “Ca lăng tần già” là biểu tượng của đạo pháp vì nó biết dùng giọng dịu hòa để giảng về “Tứ khổ đế, thập nhị nhân duyên”. Trong đồ thờ của đình và đền, cũng có đôi hạc đứng trên rùa, hạc hé miệng ngậm viên ngọc để giảng về đạo lý nhà Thánh. Mảng chạm kể trên mang phong cách Mạc (thế kỷ XVI) nhưng niên đại nhiều khả năng vào những năm đầu thế kỷ XVII. Có lẽ, đó cũng là một hình thức đề cao đạo lý, trí tuệ thuộc lĩnh vực tâm linh để xây dựng cuộc sống. Trên nền của những vân xoắn và đao ở hai bên còn thấy hai đôi rồng xoắn thân vào nhau (nhìn nghiêng), đầu ở trên cao đấu môi với nhau. Qua bố cục, chúng ta như cảm thấy đó là biểu tượng của âm dương trong thể đối đãi, tạo nên sự sinh sôi phát triển. Tiếp theo, cả hai bên có hình tượng rồng nhìn nghiêng cùng trổ thủng, rồng uốn kiểu lưng yên ngựa để làm chỗ ngồi cho các vị tiên cưỡi trên đó. Hình thức này biểu hiện vị tiên như mang tư cách là thần mưa, đang điều hành thế lực mây trời tạo ra nguồn nước thiêng tràn về trần gian, tạo nên hạnh phúc cho muôn loài và cây trồng. Điểm xuyết ở vùng trung tâm là một con nghê, được coi như biểu tượng của sức mạnh tầng trên, của trí tuệ, sự thánh thiện của các thần linh. Con nghê được bố trí chỉ ở một bên của mảng chạm khiến cho bố cục tổng thể tránh được sự đối xứng cứng nhắc, mà trở nên sinh động, đầy tính dân gian.

Chạm khắc trên một số đầu dư và cốn ở hậu cung đình Vĩnh Trị (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) có hình rồng với những đao từ gốc đến ngọn lượn nhẹ ra sau (gần như những chiếc đao của đình Tường Phiêu ở Phúc Thọ, Hà Nội, niên đại nửa đầu thế kỷ XVII). Những chiếc đao này mang tư cách gạch nối giữa hai phong cách Mạc và thời đỉnh cao của nghệ thuật đình làng vào nửa cuối thế kỷ XVII. Cho nên, chúng tôi coi đây là những con rồng khá đặc biệt và rất hiếm trong nghệ thuật tạo hình nói chung của cả nền mỹ thuật Việt, nhất là đối với xứ Thanh. Con rồng trên đầu dư ở gian bên còn chịu ảnh hưởng của phong cách Mạc, biểu hiện ở chi tiết mặt quay nhìn vào gian giữa. Đây là dấu tích khá hiếm của kiến trúc đầu thế kỷ XVII. Đáng lưu ý là trong một mảng chạm có hình rồng mà phía trước nó có đôi rắn cuộn ngược đầu nhau. Hình thức rắn này như biểu hiện khăng khít về mối đối đãi âm dương. Trong khi đó, cặp rắn này được chạm ngay trước mặt rồng lại mang tư cách là một cặp “thủy long” rất hiếm gặp đình làng vùng châu thổ sông Hồng (nếu chạm khắc rồng mà trước mặt nó có con thạch sùng thì con thạch sùng đó là hình tượng của “hỏa long”, vì thạch sùng mang tư cách của một thần giữ lửa).

Trong hậu cung đình Vĩnh Trị còn có bức chạm rồng và hổ với rồng ở tầng trên, hổ ở tầng dưới biểu hiện cho âm dương đối đãi và phần nào đề cao trí tuệ (vì rồng còn gắn với học vị Tiến sĩ, hổ gắn với học vị Cử nhân). Hình thức này đã nói lên ước vọng của tổ tiên cũng như lời dạy “phi trí bất hưng”.

Suy cho cùng, không gian tâm linh của rồng là ở khắp mọi tầng vũ trụ Trong đình làng và các loại hình di tích khác, rồng không chỉ là biểu tượng của vương quyền mà là sản phẩm của tư duy liên tưởng dân dã để mang nhiều lớp ý nghĩa biểu tượng. Để từ đó, rồng cùng với những linh vật khác bước vào thế giới thiêng liêng nhằm góp phần làm cân bằng cho lẽ sống tâm linh.

Hình tượng rồng ở thế kỷ XVIII cũng tương tự như rồng ở thế kỷ XVII, song hình tượng con người cùng các thú vật đồng hiện gần như vắng hẳn trên lưng, đao rồng. Nhiều đao của rồng đã được chém vát hai bên mũi thành một góc tù. Cũng có khi đi kèm với đao mác là những vân đuôi nheo lượn sóng từ gốc tới ngọn (không có đoạn mũi thẳng). Hình tượng rồng quay trở về với sự “nghiêm chỉnh” và những tích truyện ít nhiều ảnh hưởng Trung Hoa.

Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, trên đất Thanh Hóa, hình tượng rồng xuất hiện khá nhiều so với các thú linh khác, đặc biệt rồng 5 móng thấy ở đình Đông Môn, đền thờ Lý Thường Kiệt (có lẽ vị thế của những di tích này gắn với hoàng triều...) Thân rồng mập và ẩn chìm đi trong hệ thống đao mác. Đao mác của rồng ở giai đoạn này thường có mũi dài hơn giai đoạn giữa thế kỷ XVII.

Cuối thế kỷ XIX, hình tượng rồng trên các di tích như đình Gia Miêu, Vân Nhưng, Đông Môn thường có mặt hình hổ phù ngậm dải lụa, chữ “Thọ” và hình rồng mặt dữ tợn nanh vuốt sắc sảo, mập mạp.

Đề tài về rồng thường thấy ở thế kỷ XIX là rồng cuốn thủy có cá chép vượt vũ môn, biểu hiện ý nghĩa nhắc nhở về sự học hành (phi trí bất hưng).

Chỉ qua một vài nét hình ảnh con rồng trong đình làng xứ Thanh chúng ta như thấy rằng còn quá nhiều ẩn số trong di sản văn hóa của cha ông cần giải mã. Và bằng một số tư liệu thu thập được về con rồng, với những ý nghĩa tốt đẹp mà nó ẩn chứa, xin gửi tới bạn đọc một năm mới muôn sự tốt lành./.

 

 

 

 

Chạm khắc trên vì nóc gian giữa hậu cung đình Bảng Môn,

xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, đầu thế kỷ XVII

 

Rồng, đình Bảng Môn, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, đầu thế kỷ XVII

 

Chạm rồng, hổ, hậu cung đình Vĩnh Trị,

xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa, thế kỷ XVII - XVIII

 

Đầu dư hậu cung đình Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa, đầu thế kỷ XVII

 

 

 

Chạm khắc trên cốn hậu cung đình Vĩnh Trị,

xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa, thế kỷ XVII

Rồng chầu mặt trời, đình Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, thế kỷ XVII

Rồng, đình Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, thế kỷ XVII

 

Rồng, đình Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, thế kỷ XVII

 

  

Rồng, đình Bảng Môn, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, phong cách Mạc, đầu thế kỷ XVII

 

Rồng, đình Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, thế kỷ XVII

Rồng, đình Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, thế kỷ XVII

 

 

Chạm khắc hậu cung đình Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa, thế kỷ XVII

 

Rồng, đình Trung, xã Hà Yên, huyện Hà Trung, thế kỷ XVII - XVIII

 

Chạm khắc ở đình Trung, xã Hà Yên, huyện Hà Trung, thế kỷ XIX - XX

 

Chạm khắc ở đình Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, thế kỷ XIX

 

 

 

 

Tác giả: TS. Lê Thị Thả