CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

TRỞ THÀNH SINH VIÊN QUẢN LÝ VĂN HÓA - SỰ LỰA CHỌN SÁNG SUỐT CỦA NGƯỜI HỌC

Đăng lúc: 16/04/2018 (GMT+7)
100%

1. Văn hóa luôn là lĩnh vực được nhà nước và toàn xã hội quan tâm đầu tư
Đảng ta luôn xác định tiến hành đồng bộ và gắn kết chặt chẽ ba lĩnh vực: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt cùng với việc xậy dựng văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Nền văn hóa tiên tiến đạm đà bản sắc dân tộc đã đang và sẽ được nhà nước và nhân dân quyết tâm xây dựng. Do đó công tác đào tạo đội ngũ cán bộ ngành Quản lý Văn hóa đang được đầu tư quan tâm phát triển cả về chất và lượng. Trên cơ sở đó ngành Quản lý văn hóa hiện nay đang được nhà nước và toàn xã hội đầu tư quan tâm phát triển và có nhu cầu nguồn nhân lực lớn trong những năm gần đây. Xác định được tầm quan trọng cũng như trước nhu cầu nguồn nhân lực lớn của xã hội, trường Đại học Văn hóa, Thể thao và du lịch đã và đang tiếp tục đào tạo những thế hệ sinh viên Quản lý Văn hóa có đủ năng lực quản lý và vốn kiến thức văn hóa - xã hội sâu rộng.
2. Chương trình đào tạo tối ưu, đáp ứng nhu cầu xã hội
Chương trình đào tạo ngành Quản lý văn hóa hiện nay đang áp dụng theo hướng gọn nhẹ; hiện đại; giảm lý thuyết tăng thực hành; tăng tính liên thông, liên kết trong nhóm ngành; tập trung vào việc hình thành những phẩm chất và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên. Mục tiêu mà chương trình hướng tới là đào tạo Cử nhân Quản lý văn hóa có kiến thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn, có năng lực lập kế hoạch, thực hiện quản lý các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, các thiết chế văn hóa, tổ chức văn hóa - nghệ thuật và sản phẩm văn hóa - nghệ thuật phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.

3. Phát triển kỹ năng toàn diện
Chọn học ngành Quản lý văn hóa là một trong những con đường giúp người học phát triển toàn diện bản thân. Hầu hết các môn học của ngành Quản lý văn hóa đều được thiết lập dựa trên nền tảng phát triển kiến thức chuyên sâu, tạo điều kiện để sinh viên phát huy năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình trải nghiệm thực tế, sinh viên còn có cơ hội phát triển nhiều kỹ năng như: giao tiếp, giải quyết vấn đề, tư duy, lãnh đạo, quản lý đội ngũ ….và những kỹ năng phổ quát nhất có thể áp dụng cho bất kỳ con đường sự nghiệp nào mà bạn lựa chọn.
4. Cơ hội việc làm rộng mở
Sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Quản lý văn hóa khá cao. Sinh viên có thể làm việc trong các cơ quan quan lý nhà nước về văn hóa - nghệ thuật (như: Sở văn hóa – Thông tin; Phòng văn hóa – Thông tin; Cán bộ văn hóa cấp phường, xã, huyện thị; Trung tâm văn hóa, Ban quản lý di tích, danh thắng, lễ hội…) và các cơ quan có sử dụng nhân lực văn hóa; trong các thiết chế văn hóa (như: Bảo tàng, Thư viện, Phòng tranh, Rạp chiếu phim…); trong các tổ chức dịch vụ văn hóa (như: Khu vui chơi, Trung tâm giải trí, Đơn vị tổ chức sự kiện…); trong các cơ quan truyền thông; trong các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng. Các công ty truyền thông, du lịch, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, làm việc tại bộ phận marketing và quan hệ công chúng của các tổ chức.
5. Có thể bắt đầu sự nghiệp quản lý và kinh doanh riêng
Chương trình đào tạo ngành Quản lý văn hóa tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể giúp bạn tích lũy được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý công việc kinh doanh của chính mình. Xu thế hội nhập mở ra nhiều cơ hội để các bạn trẻ xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa như tự thành lập các công ty tổ chức sự kiện, công ty truyền thông, du lịch, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, phòng chiếu phim tư nhân... Mọi tổ chức, bất kể doanh nghiệp lớn hay nhỏ, đều dựa vào nguyên tắc quản lý để duy trì và phát triển. Chính vì thế, những cá nhân có nền tảng Quản lý văn hóa vững chắc không chỉ sẵn sàng để bắt đầu việc kinh doanh riêng trong lĩnh vực văn hóa, mà còn có nhiều khả năng vượt trội trong nhiều vị trí khác mà họ lựa chọn.